Trước đây, thành công của các đội bóng ở những giải đấu lớn như EURO hay World Cup thường được gắn tới với tên tuổi của các tay săn bàn, thì khoảng chừng 10 năm trở lại đây, các cầu thủ tiền vệ lên ngôi. Năm 2010, chức vô địch của Tây Ban Nha gắn với bộ đôi trứ danh Xavi - Iniesta. Năm 2014, hàng tiền vệ của Đức gồm Bastian Schweinsteiger, Sami Khedira, Metsu Ozil hay Toni Kroos tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong trận chung kết với Argentina. Còn tại Nga, bộ đôi Kante - Pogba là chỗ dựa để Pháp lên ngôi vô địch. Cùng hòa chung xu hướng này, bóng đá Croatia thăng hoa trong giai đoạn vừa qua chắc chắn không thể không nhắc đến vị trí của Luka Modric.
Thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, nhưng vai trò của Modric còn lớn hơn thế. Anh thường xuyên lùi sâu về vòng cấm địa của Croatia để nhận bóng và phát triển các hướng tấn công. Khi còn trẻ, Modric thừa sức đi bóng qua từ 1 tới 2 cầu thủ để dứt điểm, như bàn thắng vào lưới Argentina ở World Cup 2018. Tuy nhiên, khi tới Qatar, ở độ tuổi 37, không ai nghĩ Modric có thể tiếp tục là nguồn cảm hứng của Croatia. Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về phong độ của anh, đặc biệt là khi đại diện của châu Âu để Nhật Bản cầm hòa trong 120 phút và chỉ chiến thắng trên chấm sút luân lưu.
Nhưng cũng như một cầu thủ của Nhật Bản từng thừa nhận trước trận đấu với Croatia trong vòng 1/8, họ không thể chủ quan trước một đối thủ từng 2 lần chiến thắng ở World Cup 2018 bằng sút luân lưu và vào chơi tới tận trận chung kết. Vậy, đâu là điểm tựa để Croatia có thể thực hiện mục tiêu như cách họ muốn như vậy?. Rõ ràng, khi sút luân lưu, tài năng của thủ môn là quyết định, nhưng làm sao để trận đấu diễn ra trong 120 phút mà Croatia có được điều họ muốn là “thử vận may” trên chấm phạt đền?. Câu trả lời đơn giản chỉ là nhờ khả năng cầm nhịp và điều tiết trận đấu của Luka Modric, cùng với sự hỗ trợ của Mateo Kovacic và Brozovic. Như trong trận đấu với Brazil - một đối thủ có quá nhiều cái tên nổi đình nổi đám trên hàng công, Croatia một lần nữa “nhún nhường”. Họ bố trí đội hình thấp, tập trung nhân lực sang hai cánh để chống các phương án tấn công của Selecao vào đây. Rồi khi có bóng phản công, Croatia bình tĩnh xoay sở. Khi bóng sang phần sân Brazil, họ cũng không vội vàng triển khai, họ đợi các tiền vệ đứng sẵn cả vào vị trí để chống phản công, rồi mới tiếp tục phát triển bóng.
Đúng là lối chơi “khó chịu” của Croatia khiến những ai yêu bóng đá tấn công rực lửa cảm thấy không hài lòng. Nhưng phải nhớ rằng, trước khi thắng thì đừng để thua trong bóng đá, Modric và các đồng đội hiểu rõ vấn đề này. Croatia chơi bóng như thể đây là một cuộc đi dạo, dù đối phương có tấn công ào ạt tới đâu, không có gì phải vội, kể cả khi Brazil dẫn trước trong hiệp phụ thứ 1. Thời điểm đến sẽ đến. Có Modric, họ không phải lo về thế trận. Có Modric, họ yên tâm trước những tình huống áp sát tầm cao của đối phương. Có Modric, họ tự tin bước vào loạt sút luân lưu.