Những người như Gomez, Oezil giờ đã là quá khứ của tuyển Đức. |
Hãy nhớ lại những gì diễn ra cách đây một tháng: tuyển Đức đã khởi đầu hành trình bảo vệ ngôi vương trên đất Nga bằng thất bại đáng xấu hổ 0-1 trước Mexico. Đó là trận đấu Oezil bị chỉ trích dữ dội nhất.
Oezil không quá tệ, nhưng…
Ở trận này, Mesut Oezil bị cho là phải chịu một phần trách nhiệm trong bàn thua duy nhất vì không ngăn được Lozano khi chạy về bọc lót cho Joshua Kimmich. Tất nhiên, Oezil chưa bao giờ giỏi về hỗ trợ phòng ngự cả, nhưng ở nhiệm vụ kiến tạo và tấn công, anh cũng tương đối mờ nhạt trong việc tìm kiếm đường vào khung thành đội bóng Trung Mỹ.
Joachim Loew từng bảo vệ Oezil, cũng như nhiều công thần khác của tuyển Đức, nhưng trước áp lực quá lớn từ những CĐV, và từ chính các cựu danh thủ, quan chức liên đoàn, ông đã gạt anh ra ở trận đấu mang tính sinh tử với Thụy Điển. Trớ trêu thay, Đức thắng 2-1 và sống lại cơ hội đi tiếp. Đến trận cuối vòng bảng gặp Hàn Quốc, Loew đưa Oezil trở lại đội hình xuất phát với lời phân bua rằng “Vì một số lệnh cấm thi đấu và chấn thương, chúng tôi buộc phải thay đổi”.
Loew đã không nhất quán trong việc sử dụng Oezil. |
Loew hẳn đã hy vọng việc bị loại khỏi trận đấu với Thụy Điển sẽ là động lực cho Oezil, hẳn vẫn tin tưởng vào những đường kiến tạo đẳng cấp của anh, bất chấp phong cách lờ đờ quen thuộc. Điều đó cho thấy một sự thiếu nhất quán và có phần bảo thủ trong suy nghĩ của ông. Kết cục: Oezil cũng không thể kéo cả tuyển Đức rệu rã ấy đi tiếp, và thất bại 0-2 trước đội bóng Đông Á để lại một nỗi tê tái thực sự.
Thật ra, Oezil chơi không tồi như người ta nghĩ. Trang Whoscored chấm điểm anh điểm 7,6 - cao nhất trong số 14 cầu thủ Đức ra sân ở Kazan hôm ấy. Suốt cả trận, anh có 7 đường kiến tạo cho đồng đội (bằng của Kimmich và Kroos cộng lại), và tỷ lệ chuyền bóng lên đến 85%. Tính cả giải, anh có tỷ lệ kiến tạo trên 90 phút (5,5 lần) cao hơn bất cứ tuyển thủ Đức nào.
Mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần
Nhưng vì sao, Oezil từ giã sự nghiệp quốc tế? Thứ nhất, như đã phân tích, anh cảm thấy bị tổn thương vì cách đối xử mang tính phân biệt chủng tộc đến từ chính những quan chức liên đoàn, những người lẽ ra phải đứng ra bảo vệ anh trước mũi dùi của công chúng. Thứ hai, Oezil cảm thấy rằng mình không còn thích hợp với đội bóng này nữa. Sau thất bại ở World Cup, tuyển Đức sẽ phải thay đổi mạnh mẽ, mà những người như Oezil rất có thể sẽ bị gạt ra để chăm chút cho một thế hệ mới, giống như cách đây 12 năm, khi DFB quyết định trẻ hóa Die Mannschaft mạnh mẽ và cách mạng lớn về chiến thuật, để rồi đạt thành quả là chức vô địch World Cup 2014.
Tuyển Đức hậu World Cup 2018 sẽ được xây dựng trên nền tảng những tài năng trẻ này. |
Trước World Cup 2018, người ta đã bóng gió nói đến sự chia rẽ phe phái ở tuyển Đức. Đầu tiên là phe của những nhà vô địch thế giới 4 năm trước như Sami Khedira, Manuel Neuer, Toni Kroos, Mesut Oezil… Và sau đó là phe của những nhà vô địch Confederations Cup 2017 như Timo Werner, Leon Goretzka, Julian Brandt… Trên đất Nga, Joachim Loew đã rất ưu ái những công thần, và phải trả giá đắt. Bây giờ, ông sẽ buộc phải thay đổi, phải tin tưởng những tài năng trẻ nhiều hơn. Và đó là những người chẳng ưa gì Oezil, ít nhất là về lối chơi, với phong cách lờ đờ chậm chạp và hay làm chậm nhịp độ tấn công của họ. Nếu anh cố sống cố chết bám trụ lại Die Mannschaft, tình thế có thể sẽ còn tệ hơn.
Ngoài ra, phải thừa nhận rằng sau khi đã lên tới đỉnh ở Brazil bốn năm trước, khát khao cống hiến của Oezil cũng như nhiều tuyển thủ Đức khác cùng thế hệ với anh cũng đã giảm đi ít nhiều. Mà Loew thì đã không thể khơi lại những khát khao ấy. "Tôi cảm nhận đã có một sự kiêu ngạo trong tuyển Đức từ trước trận gặp Mexico. Cá nhân tôi cũng thấy trong dòng máu không còn sự sục sôi như năm 2014", Julian Draxler đã nói như thế sau khi bị loại khỏi World Cup 2018.
Nhưng Draxler thì còn trẻ (anh sinh năm 1993), chứ Oezil thì không. “Số 10” đã cảm thấy gánh nặng tuổi tác trên vai, và một khi đã mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, thì nghỉ ngơi là quyết định hợp lý nhất.
Auf Wiedersehen (Tạm biệt), Mesut Oezil!