Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh yêu cầu, các đơn vị bổ sung danh sách các tàu vi phạm từ 2019 - 2020. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan cần đưa ra các biện pháp, chế tài triển khai áp dụng cụ thể đối với các chủ tàu vi phạm.
Ông Lê Ngọc Khánh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài là trái pháp luật. Thời gian tới, tỉnh sẽ có chế tài xử lý mạnh với các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh cũng cần tích cực triển khai các văn bản của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các ngành chức năng như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng, Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp, đấu tranh nhằm ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái pháp luật được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đặc biệt, số lượng tàu cá bị phía nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, từ tháng 8/2019 - tháng 3/2020, cơ bản đã chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm.
Để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt thủy sản vùng biển nước ngoài, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã triển khai việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập cảng. Từ 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng 129.628 lượt tàu cá/860.450 lượt thuyền viên ra, vào hoạt động trên biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã tuyên truyền, vận động giới thiệu các mô hình chuyển đổi hiệu quả cho tàu cá hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) và tàu cá khai thác thủy sản ven bờ sang nghề khác thích hợp.
Ngoài ra, lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến thủy sản trái pháp luật. Đồng thời, tăng cường việc phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các đường dây môi giới tàu cá đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài…
Tuy nhiên, ông Trần Văn Cường cũng nhận định, đến nay Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn những tồn tại, vướng mắc gặp phải trong việc chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm đánh bắt thủy sản vùng biển nước ngoài. Cụ thể, việc xử phạt vẫn còn hạn chế, các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm được các vụ việc tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối.
Bên cạnh đó, tình trạng ngư dân đưa tàu cá đến khai thác tại vùng ranh giới trên biển, vùng chồng lấn vẫn còn phổ biến. Các vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra, tuy nhiên, nguồn tin về các tàu cá, ngư dân đánh bắt vi phạm bị phía nước ngoài bắt giữ còn hạn chế.
Trong khi đó, chủ phương tiện, ngư dân bị bắt còn lo ngại cơ quan chức năng xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi nên cung cấp thông tin nhỏ giọt, thiếu trung thực. Cùng với đó, hiện nay việc lắp thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá cũng mới đạt 86% chưa đạt tiến độ theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Trước những tồn tại đó, các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, chủ phương tiện tàu cá. Lực lượng chức năng kiểm tra, khi phát hiện thì phải xử lý nghiêm các tàu cá, ngư dân có hành vi vi phạm đánh bắt bất hợp pháp. Ngoài ra, các đơn vị phải luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt...