Từ vùng biên cương phía Đông Bắc đến khu vực biển Đông Nam của Tổ quốc, cơn gió mùa độc hại chỉ cần quãng thời gian hơn một ngày đêm.
Trong khi tàu cá của ngư dân và các phương tiện hàng hải dân sự khác tạm lùi ra khơi hoặc tìm nơi tránh trú thì con tàu Trường Sa 19 vẫn hối hả rời bến cảng của Lữ đoàn 171 (Bà Rịa – Vũng Tàu), lầm lũi cắt sóng, nhằm thẳng hướng các nhà giàn DK1. Đây là chuyến tàu chở hàng Tết cho các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ “gác biển”.
Tiếp nối truyền thống của “Đoàn tàu không số”, các phương tiện vận tải của Lữ đoàn 125 lại làm lên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” trong điều kiện mới.
Từ Đoàn 759 đến Lữ đoàn 125
Lữ đoàn 125 là lực lượng vận tải biển chủ lực của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam với tiền thân là Đoàn 759.
Ngược dòng lịch sử, hơn 59 năm trước, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 với nhiệm vụ mở đường vận tải chiến lược trên Biển Đông - vận chuyển vũ khí, trang bị và cán bộ để chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Để giữ bí mật, các con tàu của Đoàn 759 không mang bên mình bất kỳ dấu hiệu nhận dạng nào.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975, Đoàn 759 đã huy động 1.000 lượt những con tàu không số, chở hơn 28.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 97.000 tấn vũ khí, hàng hóa… đến các địa phương ở miền Nam, góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến trường. Đơn vị cũng trực tiếp đối đầu với 30 lượt tàu chiến, 1.200 lượt máy bay địch, bắn rơi 5 máy bay, bắn chìm và hỏng 5 tàu chiến, bắt 42 tù binh…
Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Đoàn 759 cùng với các lực lượng quân sự khác đã tham gia giải phóng vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, tiếp quản các căn cứ hải quân của ngụy quyền, đặc biệt, là giải phóng quần đảo Trường Sa.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn 125 tiếp nối truyền thống của Đoàn 759, trở thành đơn vị vận tải quân sự chủ chốt của lực lượng hải quân, vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng các công trình trên đảo, phục vụ các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, trực bảo vệ chủ quyền trên biển.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn 125 hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có 13 tập thể và 21 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong chiến tranh, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, một quyết định chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Ngày nay, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” góp phần quan trọng trong việc duy trì mạch đập của hệ thống nhà giàn DK1 – những cột mốc chủ quyền quốc gia trên thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
Hành trình sóng gió những ngày giáp Tết
Tiếp nhận ca trực, Thiếu tá Nguyễn Nam Khánh, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 19, chăm chú theo dõi diễn biến của đợt gió mùa Đông Bắc mới. Điều này thật dễ hiểu vì sức mạnh của luồng gió lạnh được ghi nhận đầu tiên tại nước ta ở huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) có tác động trực tiếp tới chiều cao sóng ở vùng biển từ Nam Bình Thuận tới cửa Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) thuộc phạm vi quản lý của Vùng 2 Hải quân.
Khi gió lạnh tăng cường tràn về Bắc Bộ gây rét đậm, rét hại, trên đất liền chỉ có gió cấp 2 – 3 thì ở ngoài khơi vùng biển phía Nam gió có thể mạnh cấp 5 – 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Gió mùa Đông Bắc hay còn gọi là gió bấc hoặc gió mùa mùa Đông là thuật ngữ để chỉ khối khí lạnh có nguồn gốc từ trung tâm áp cao ở Trung Á và Xibia (Liên bang Nga) thổi về xích đạo rồi di chuyển ngang khu vực Việt Nam, gây ra gió mạnh, trời trở rét và thời tiết xấu. Gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau) là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm bởi khi tràn về ngoài khơi với độ mạnh đến cấp 6 – 7, nó có thể đánh đắm tàu, thuyền.
Trong 30 giờ hành trình liên tục từ đất liền ra Cụm Phúc Nguyên, nơi cắm chốt của Nhà giàn DK1/15, gió chỉ ở cấp 4. Theo đánh giá của Thuyền trưởng Nguyễn Nam Khánh, thời tiết như vậy trong mùa biển động là khá thuận lợi.
Nhưng ngay sau đó, sóng mạnh lên, các cơn dông bất chợt xuất hiện. Con tàu thả neo ở cách nhà giàn khoảng 300 m. Tổ vận chuyển phải rất vất vả mới hạ được chiếc xuồng máy xuống biển để chở người và hàng Tết đến chân nhà giàn. Sóng cồn khiến cho mọi nỗ lực tiếp cận chân công trình trở nên bất khả thi. Tổ vận chuyển phải bọc kín hàng Tết trong các bao ni lông, buộc vào dây thừng để các chiến sỹ trên nhà giàn kéo lên.
Thuyền trưởng Nguyễn Nam Khánh ngậm ngùi chia sẻ: Mỗi lần không đưa được xuồng tiếp cận chân nhà giàn để Đoàn công tác lên chúc Tết thì tôi cũng như các anh em trên tàu rất áy náy dù đây là phương án đã được tính đến và đã nhiều lần xảy ra. Niềm an ủi của chúng tôi là tất cả các kiện hàng Tết từ đất liền gửi ra đều được chuyển đến nhà giàn DK1/15 an toàn, đầy đủ, không bị thấm nước, hư hại.
Sau khi Đoàn công tác tiếp cận thành công Nhà giàn DK1/12 thì thời tiết chuyển biến xấu, gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Sóng khiến con tàu với trọng lượng hơn 2.000 tấn (tính cả hàng hóa) chao đảo rất mạnh, nước biển dâng cao 5 – 6 m, tung bọt trắng xóa, hiện tượng này được gọi là sóng bạc đầu.
Con tàu Trường Sa 19 suốt 3 ngày đêm liên tục chạy vòng quanh Nhà giàn DK1/14 để tránh sóng, không thả neo cũng như không thể hạ xuồng để tiếp cận chân công trình. Thượng úy Nguyễn Đăng Cường, Phó Thuyền trưởng, giải thích: Dây neo của con tàu chỉ có tác dụng ở độ sâu 30 – 40 m. Bãi cạn san hô quanh nhà giàn này không đủ dài để thả neo, phòng khi con tàu bị sóng kéo rê hàng trăm mét. Hơn nữa, khi sóng quá mạnh thì tàu phải chạy gối sóng theo kiểu dích dắc để hạn chế độ rung lắc, thả neo lúc này rất nguy hiểm.
Phó Thuyền trưởng Cường đồng thời là trưởng xuồng, người có trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo an toàn của Đoàn công tác và hàng Tết khi xuồng rời khỏi tàu. Tuy tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1994) nhưng Thượng úy Cường được đánh giá là người có tay lái xuồng vững vàng.
Khi vấp phải bãi san hô dưới chân nhà giàn chỉ cách mặt nước 25 – 30 m, sóng biển cồn lên rất dữ dội, người lái phải vừa bản lĩnh, vừa khéo léo để lựa chiều sóng, lợi dụng lúc sóng lên cao nhất để cho xuồng tiếp cận cầu tàu. Những người có nhiệm vụ lên nhà giàn chỉ có vài giây để bám tay vào cầu thang rồi nhanh chóng rút chân để tránh xuồng va đập. Bỏ lỡ thời khắc vàng đó, họ phải chờ khá lâu để lợi dụng một con sóng khác có độ cao thích hợp và con xuồng giữ khoảng cách an toàn với chân nhà giàn.
Mỗi chuyến xuồng rời tàu ra nhà giàn và trở về là một lần thử thách mang tính sinh tử. Có ngày Cường và ê kíp của mình đã hoàn thành cả chục chuyến đi như thế.
Chỉ là một sự tình cờ nhưng những cái tên mạnh mẽ, mang đầy chất lính của các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên tàu Trường Sa 19 gây ấn tượng đối với các phóng viên đi theo Đoàn công tác số 2. Trong biên chế khá ít ỏi của con tàu có tới bốn người tên Cường và ba trong số đó thuộc ban chỉ huy gồm bốn người. Có ca trực mà anh em trên tàu nói vui là “ca toàn Cường” vì cả bốn thành viên đều tên Cường: Chính trị viên Nguyễn Văn Cường, Phó Thuyền trưởng thứ nhất Tôn Vĩnh Cường, Phó Thuyền trưởng thứ hai Nguyễn Đăng Cường và nhân viên báo vụ Nguyễn Văn Cường.
Tốt nghiệp Học viện Hải quân ở Nha Trang năm 2007 chuyên ngành hàng hải, Thuyền trưởng Nguyễn Nam Khánh không nhớ mình đã bao lần chở hàng ra các nhà giàn và đã bao lần ăn Tết trên biển.
Ra khơi mùa biển động đối với các cán bộ, chiến sỹ của tàu Trường Sa 19 trở thành điều bình thường. Những ngày biển động trong chuyến ra DK1 dịp cận Tết Tân Sửu 2021 chưa phải là chuyến đi sóng gió nhất.
Thiếu tá Khánh nhớ lại: Có lần, xong nhiệm vụ vận chuyển, tàu trở về đất liền. Theo kế hoạch thì chỉ cần 3 ngày đêm là cập cảng nhưng trên thực tế phải mất 8 ngày 7 đêm. Đó là do tàu chạy ngược sóng, sức sóng mạnh hơn lực đẩy của phương tiện. Tàu hướng vào bờ nhưng sóng lại đẩy ra mạnh hơn. Tổ lái phải cho tàu chạy chéo sóng 40 độ để tránh rung lắc, chờ gió hạ cấp mới đi vào đất liền được.
Hết năm này sang năm khác tàu Trường Sa 19 miệt mài làm nhiệm vụ vận tải của mình trên “Đường mòn Hồ Chí Minh mới”.
Song những chuyến mang hàng Tết ra nhà giàn luôn để lại ấn tượng sâu đậm đối với Thuyền trưởng Nguyễn Nam Khánh cũng như các đồng đội của anh. Việc tiếp nhận, bốc xếp, bảo quản, vận chuyển xuống xuồng, tải lên nhà giàn những kiện hàng này đòi hỏi sự cẩn trọng, nâng niu, khác hẳn với các khối bê tông, sắt thép "siêu bền, siêu trọng" trong các chuyến vận chuyển thông thường.
Trong những kiện hàng Tết không chỉ có nếp, thịt, cành lan, cây quất… mà còn gói ghém cả tình cảm thiêng liêng của quân và dân trên đất liền gửi tới những người đang canh giữ chủ quyền và thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
Bài 3: Tết của những người “chân không chạm đất”