Phát triển bền vững biển, đảo

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam


Ngày 1/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Theo Quyết định, Tổng cục Biển và Hải đạo Việt Nam được giao các nhiệm vụ và quyền hạn, như: Nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án và công trình quan trọng quốc gia phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Được tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, đề án về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo; các cơ chế, chính sách về quản lý các ngành, nghề khai thác sử dụng tài nguyên biển do các bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng. Thực hiện việc quản lý, điều tra cơ bản về biển, hải đảo, trong đó có việc chủ trì xây dựng chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển, đại dương; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép đối với hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam…

 

Hiến tặng tài liệu quý về chủ quyền biển, đảo


Tại huyện Tuy Phong, UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Lễ tiếp nhận hiến tặng tài liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam của tộc họ Lê tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Tài liệu bao gồm 2 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn và 5 bằng cấp của Tuần phủ hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa từ thế kỷ XIX. Nội dung các sắc, bằng cấp cho thấy, triều đình nhà Nguyễn đã bổ nhiệm ông Lê Văn Châm và ông Lê Non giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân sĩ thuộc các đội thủy binh bảo vệ, tuần phòng vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hòa. Đây là các văn bản Hán Nôm gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh để thực hiện nhiệm vụ bố phòng, bảo vệ vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Do nhận thức được đây là những hiện vật, tài liệu lịch sử quý của quốc gia chứ không đơn thuần là kỷ vật của gia tộc, nên cụ Lê Nhự và tộc họ đã tự nguyện hiến tặng toàn bộ số hiện vật, tài liệu này cho Nhà nước bảo quản và phát huy giá trị; tránh nguy cơ bị hỏng và thất lạc. Ghi nhận những đóng góp trong việc giữ gìn nguyên vẹn những tài liệu, hiện vật quý này trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao tặng Bằng khen cho cụ Lê Nhự và tộc họ Lê tại xã Bình Thạnh.


V.T - Nguyễn Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN