Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Quy định rõ việc bồi thường khi thu hồi các loại đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện là dự án Luật được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tầm ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội và góp phần khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất đai. Do vậy, việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ góp phần xây dựng Luật Đất đai hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Chú thích ảnh
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều tác động đến thị trường bất động sản. Ảnh: TTXVN

Một trong những điểm mới của Dự thảo chính là sửa đổi thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.

Góp ý về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai nhưng người sử dụng đất cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định cưỡng chế nhưng không thể thu hồi đất do người sử dụng đất chưa tiếp tục vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Điều 80 quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất “không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm” nên sửa thành “không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”;  Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất “mà tiếp tục vi phạm”, nên sửa thành “mà không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.

Điều 85 quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý.

Việc bố trí tái định cư chỉ được thực hiện sau khi được phê duyệt phương án tái định cư. Do vậy, ông Nguyễn Mạnh Tuấn đề xuất dự thảo cần quy định cụ thể những hành vi vi phạm “không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”; sửa đổi các nội dung nêu trên theo hướng “quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày” và “việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ”.

Góp ý về thu hồi đất, trưng dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cần làm rõ hơn khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo Điều 78 dự thảo Luật, quy định cụ thể có quy định về các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất. Đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy rằng, quy định của dự thảo Luật có phạm vi mở rộng và cụ thể hơn. Tuy nhiên, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm thời gian qua nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy, để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Ông Lương Trọng Quỳnh cho rằng, Dự thảo cần quy định rõ việc bồi thường khi thu hồi các loại đất không phải là đất ở để thực hiện các dự án “Nhà ở thương mại” được quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 78 của dự thảo Luật. Vì thực tế đã từng xảy ra việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, người dân có đất bị thu hồi được đền bù đất. Nhưng họ lại không mua được nhà ở được xây dựng trên chính mảnh đất của họ bị thu hồi, dẫn đến bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài...

"Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét sửa đổi bổ sung theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật", ông Lương Trọng Quỳnh nhấn mạnh.

Diệu Thúy (TTXVN)
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tư vấn định giá đất cần độc lập, khách quan
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tư vấn định giá đất cần độc lập, khách quan

Một trong những nội dung được góp ý nhiều nhất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề tài chính đất đai. Theo các chuyên gia, cần phải chuẩn hoá quy trình định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất nên là một cơ quan độc lập, khách quan, chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề, không liên quan đến Hội đồng thẩm định giá đất/UBND cấp tỉnh hay cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai ở Trung ương/địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN