Nhà thu nhập thấp - hết phụ thuộc vốn mới phát triển mạnh

“Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp “đi” nhanh hay chậm tùy theo góc nhìn. Để hoàn thành một dự án nhà ở, từ lập dự án, giải phóng mặt bằng, xây dựng và bán… phải mất 3 – 5 năm, thậm chí có những dự án 10 năm, thì với chương trình nhà thu nhập thấp (NTNT), chỉ trong vòng 2 năm chúng ta đã cho ra đời được quỹ nhà này. Đây là một trong những chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh…”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mở đầu câu chuyện tâm đắc.

Bàn chuyện vốn cho các dự án NTNT trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Rất khó khăn!”. Để triển khai được các dự án NTNT như hiện nay, các doanh nghiệp đều phải vay ngân hàng thương mại và một phần huy động của khách hàng (do thực hiện cơ chế được huy động vốn của khách hàng khi nhà đã xây xong phần móng). Tuy nhiên, số vốn ban đầu như chi phí lập dự án, giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, làm móng… rất lớn, trong điều kiện lãi suất cao… Rốt cuộc, các chi phí này người mua nhà phải chịu. Nếu NTNT có chi phí đầu vào rẻ và ổn định thì chương trình không bị gián đoạn và giá nhà cũng không bị đội lên.

Khu nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Hà Nội)
đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Hết tháng 6/2011, cả nước có 39 dự án NTNT được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.878 tỉ đồng, tạo ra diện tích sàn khoảng 785.500 m2. Các dự án sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 67.000 người có thu nhập thấp. Đã có 17.000 căn hộ hoàn thành và bán cho các đối tượng thu nhập thấp vào ở. Các địa bàn triển khai mạnh nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Việt Trì…
Nguồn: Bộ Xây dựng

Trước đây, các dự án NTNT đều kỳ vọng vào vốn giá rẻ từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Bộ Xây dựng cũng kỳ vọng vì Chính phủ đã có chỉ đạo đưa NTNT vào danh mục ưu đãi. Tuy nhiên, qua thực tiễn mới thấy, không thể kỳ vọng nhiều vào nguồn vốn này bởi: Thứ nhất là VDB cũng có khó khăn về huy động vốn. Thứ hai là VDB phải làm nhiệm vụ cấp bù lãi suất cho các chương trình, dự án quan trọng quốc gia. Trong khi đó, nguồn của VDB được bổ sung từ hai kênh: Nhà nước cấp và phát hành trái phiếu. Nhưng mức lãi suất, thời hạn của trái phiếu lại do Bộ Tài chính và Chính phủ phê duyệt. Cùng với thủ tục xin phát hành rất phức tạp thì nhiều khi lãi suất không hấp dẫn nên huy động có thể thất bại. Do đó, nếu phát triển NTNT mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của VDB mới triển khai dự án là không khả thi, không thể cho ra đời được các dự án.

Do đó, để các dự án NTNT có vốn ổn định, từ đó có giá nhà ổn định thì phải tạo lập được nguồn vốn riêng cho chương trình này. Trong đó, phải sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, có cơ chế riêng cho việc phát hành trái phiếu nhà ở, các quỹ đầu tư nhà ở…

Theo Thứ trưởng Nam, dự kiến phương án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được trình Thủ tướng vào tháng 11 này. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của Bộ cũng như Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản. Bên cạnh đó là nguồn vốn vay ODA (1,5 tỉ USD) từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) dành cho chương trình phát triển NTNT trên cả nước.

Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu việc tạo vốn bằng các loại hình quỹ khác như trái phiếu nhà, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư… để thu hút nguồn vốn cho chương trình.

“Trước sau gì thì chương trình xây dựng NOXH, NTNT cũng phải có nguồn vốn riêng để việc triển khai các chương trình này không bị ảnh hưởng bởi các chính sách tác động bất lợi. Nếu không, gặp những chính sách như siết chặt tiền tệ như hiện nay thì các chương trình nhà ở sẽ lại chững lại!”, Thứ trưởng Nam nói.

Xuân Hương


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN