Một góc hồ Thành Công, Hà Nội. |
Chị Huyền Trang, nhà A3 Thành Công cho biết có nhận được phiếu điều tra xã hội học về những vấn đề liên quan đến chỗ ở hiện tại, tuy nhiên phiếu không có dòng nào nói đến vấn đề lấp một phần hồ để xây nhà tái định cư. Chị Trang và các hộ dân không đồng tình với phương án này vì hồ đang giúp điều hòa không khí, tạo không gian đô thị…
"Lấp một phần hồ đi, bao giờ dự án mới triển khai xong để đào lại hồ. Nhiều dự án treo hàng chục năm không động đậy. Lúc đó nhỡ có vấn đề gì xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm", chị Trang đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công cũng cho biết không có phương án lấp hồ trong phiếu điều tra xã hội học. Nội dung tạm cư trong phiếu điều tra chỉ đưa 2 nội dung: Một là, người dân nếu tự lo được chỗ tạm cư thì sẽ được hỗ trợ bằng tiền. Còn nếu không lo được chỗ tạm cư thì thành phố và chủ đầu tư sẽ phối hợp để lo điểm tạm cư.
Theo ông Toản, đây mới chỉ là một ý kiến đề xuất, còn phải chờ các chuyên gia đánh giá và thành phố xem xét phê duyệt.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã có đề xuất táo bạo là lấp 1 ha hồ Thành Công, tạo đất xây chung cư mới ổn định chỗ ở cho người dân ở khu tập thể cũ. Sau đó, sẽ đào thêm 1 ha hồ nữa, tổng diện tích hồ không thay đổi.
Với phương án này, các hộ dân sẽ không phải chuyển chỗ ở mà được tái định cư tại chỗ. Hà Nội dường như đang bế tắc trong việc cải tạo các chung cư, khu tập thể cũ xuống cấp. Mặc dù thành phố không ngừng hô hào, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhưng kết quả cải tạo được chẳng được bao nhiêu.
Tưởng chừng ý tưởng của Vihajico sẽ tháo được nút thắt cải tạo chung cư cũ, nhưng ngay lập tức đã nhận được "cả rổ đá" từ dư luận. Các chuyên gia cho rằng, đề xuất của Vihajico sẽ khó được chấp nhận vì đi ngược với quy luật tự nhiên và vấp phải sự phản đối từ cộng đồng.
Về phía dư luận, từ khi có thông tin lấp 1 ha hồ Thành Công, khắp các diễn đàn mạng, mạng xã hội đều dấy lên làn sóng phản đối cách làm này. Đa số ý kiến cho rằng, điều này sẽ phá vỡ quy hoạch không gian của Hà Nội, đồng thời lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.
Một số ý kiến khác phân tích: Nếu triển khai theo phương án của Vihajico, nhà chung cư cao tầng sẽ thu lại nằm ngay sát mặt hồ, phá nát cảnh quan hồ nước (điều đang diễn ra ở khu Linh Đàm). Giá trị của dự án bất động sản này sẽ tăng lên chóng mặt, có lợi cho chủ đầu tư nhưng kết cấu, không gian hồ biến đổi, người dân Hà Nội sẽ không còn một công viên hồ Thành Công xanh mát nữa.
Trong bối cảnh Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng do khói bụi, phương tiện giao thông và mật độ dân số tăng chóng mặt, chuyện "lấp hồ" đương nhiên sẽ bị phản đối, dù là lấp theo cách nào. Hơn nữa, đề xuất này lại chưa lấy ý kiến người dân sở tại, những người chịu tác động trực tiếp.
Đề xuất của Vihajico có được thực hiện hay không còn phải chờ vào quyết định của TP Hà Nội. Tuy vậy, với sự phản đối từ người dân và các chuyên gia như hiện nay, xem ra đề xuất này đã... chết yểu.
Vihajico là chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Ecopark, với quy mô lên đến 500 héc ta tại tỉnh Hưng Yên. Từ năm 2016, doanh nghiệp này được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết toàn khu tập thể Thành Công, với quy mô hơn 23 ha, với 67 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.