Khôi phục bền vững thị trường bất động sản Trung Trung Bộ - Bài cuối: Hỗ trợ, khơi thông nguồn lực

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP với hàng loạt giải pháp nhằm khơi thông, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Chú thích ảnh
Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Đây được kỳ vọng là "đòn bẩy" cho thị trường. Trong đó có triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; rà soát các dự án bất động sản vướng pháp lý để có biện pháp tháo gỡ; điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, phân khúc giá cả hợp lý. Hiện các địa phương khu vực Trung Trung Bộ đang tích cực triển khai các giải pháp trên nhằm khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế địa phương.

Để "đòn bẩy" phát huy hiệu quả

Từ những ngày đầu tháng 6/2023, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Chi nhánh một công ty phân phối đất nền ở thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã mở cửa văn phòng để trở lại với công việc, sau một thời gian tạm dừng vì dịch bệnh COVID-19, thị trường khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất đã tạo điều kiện khôi phục và từng bước phát triển thị trường bất động sản. Lãi suất giảm sẽ làm tăng tính hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra sự gia tăng về cung cầu và thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản. Theo đó, các nhà đầu tư có động lực mạnh mẽ hơn để thực hiện các dự án bất động sản mới, hấp dẫn khách hàng, làm gia tăng giá trị của bất động sản, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam Nguyễn Phú cho biết, các biện pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thời gian qua đang dần lan tỏa mạnh. Quản lý và phát triển tốt thị trường bất động sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huy động nguồn nội lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản, trong đó có Quảng Nam hiện nay là thiếu vốn. Do vậy, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo ra những tác động đáng kể theo chiều hướng tích cực đến thị trường bất động sản, góp phần gia tăng sức mua của khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Khánh Toàn, Giám đốc Công ty Bất động sản Redland, Nghị quyết số 33/NQ-CP mở ra nhiều giải pháp khơi thông, thúc đẩy thị trường bất động sản. Thực tế, lãi suất tín dụng tại các ngân hàng đã giảm so với giai đoạn cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn cao so với những năm trước đó. Bên cạnh đó, dù đã giảm lãi suất nhưng điều kiện vay vốn tại các ngân hàng lại phát sinh thêm nhiều khoản phí, chi phí bảo hiểm khiến người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay và chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số người dân cảm thấy chưa yên tâm khi vay vốn mua nhà, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng lãi suất vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong 5 năm; mức ưu đãi được công bố định kỳ 6 tháng một lần và mức lãi suất 8,2% đầu tiên chỉ áp dụng đến 30/6/2023.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, với thu nhập như hiện nay, gia đình có thể trả tiền lãi để mua nhà ở xã hội, nếu được nhận ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nhưng nếu lãi suất tăng cao sau chu kỳ 6 tháng, thì số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng sẽ vượt 50% thu nhập. Do đó, chị kiến nghị cần quy định giới hạn dao động lãi suất đối với gói tín dụng này để người dân tính toán hợp lý, yên tâm khi vay tiền mua nhà.

Theo ông Nguyễn Tấn Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Eco Real, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực khôi phục lại thị trường với các giải pháp: hỗ trợ dòng vốn đầu tư cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi vay mua bất động sản, điều chỉnh sửa đổi bổ sung Luật đất đai, thanh tra toàn diện các dự án bất động sản…

Tuy nhiên, các giải pháp cần phải sát với thực tế và đi sâu vào từng nhóm đối tượng tách biệt. Ví dụ việc thanh tra, điều tra, xử phạt các dự án sai phạm… là cần thiết nhằm làm trong sạch môi trường đầu tư; nhưng cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục và cho thời gian điều chỉnh để tiếp tục thực hiện. Đối với việc điều chỉnh các chính sách tài khóa dành cho nhóm đối tượng thực hiện dự án bất động sản hay nhóm đối tượng mua bất động sản phải rõ ràng, hưởng mức ưu đãi cụ thể. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thêm các doanh nghiệp tập trung môi giới bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ưu đãi với mục đích duy trì hoạt động.

Chính quyền đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Hiện các lãnh đạo tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Theo các địa phương, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư bất động sản là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, công tác xác nhận nguồn gốc đất còn phức tạp, gặp nhiều trở ngại; công tác thu hồi đất, bàn giao đất còn chậm trễ, vướng mắc.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang rà soát, thống kê các dự án bất động sản chưa triển khai hoặc chậm triển khai; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc. Cơ quan chức năng tỉnh tăng cường quản lý ngăn chặn việc chia tách “phân lô bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; chấn chỉnh hành vi “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản. Tỉnh Quảng Trị cũng công bố, công khai danh mục dự án, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 4 tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì nhằm kịp thời rà soát, giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án bất động sản đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư cho các dự án. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc dự án để giúp doanh nghiệp thực hiện dự án theo đúng quy định, tạo nguồn cung bất động sản cho địa phương.

Tại thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố cũng vừa ban hành Công văn số 2765/UBND-SXD ngày 1/6/2023 giao các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát, đề xuất phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng... theo thẩm quyền; ưu tiên giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng sẽ rà soát, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đà Nẵng cũng công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để các ngân hàng thương mại triển khai cho vay Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã có những động thái quyết liệt nhất nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Ngày 5/6/2023, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký văn bản yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó yêu cầu Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, lập, thẩm định, trình phê duyệt các hồ sơ quy hoạch. Đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh (nếu có) thì rà soát, thực hiện thủ tục điều chỉnh các quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, không hợp thức hóa các sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp và sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực bất động sản khu vực Trung Trung Bộ đang được kỳ vọng sẽ sớm phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Trung Trung Bộ 
Doanh nghiệp bất động sản đóng cửa tăng hơn 40%
Doanh nghiệp bất động sản đóng cửa tăng hơn 40%

Theo báo cáo từ Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN