Số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng năm tăng lên từ 20-50%. So với năm 2002, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện tăng khoảng 4-5 lần.
Hiện cả nước có trên 1.700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở và bất động sản. Trong số này, khoảng 484 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng, xấp xỉ 35%; doanh nghiệp có vốn từ 50 – 200 tỷ đồng khoảng 115 đơn vị; trên 50 doanh nghiệp có vốn từ 200 – 500 tỷ đồng và khoảng 41 doanh nghiệp đạt số vốn trên 500 tỷ đồng. Cùng đó, các đơn vị tư vấn thiết kế, doanh nghiệp thi công xây lắp của ngành xây dựng không chỉ tăng nhanh về số lượng, quy mô mà còn đủ năng lực để đảm nhận các dự án, công trình nhà ở cao tầng, hiện đại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận xét: Bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính..., trong đó mỗi một lĩnh vực lại thuộc chức năng quản lý của một cơ quan Nhà nước khác nhau. Vì vậy, các chính sách có liên quan đến lĩnh vực nhà ở mặc dù đã được ban hành khá nhiều nhưng vẫn chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất và còn gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh nhà ở của doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện chính sách điều tiết thị trường nhà ở vẫn chưa thật sự phát huy sức mạnh để bảo đảm cho thị trường phát triển cân bằng. Giá nhà ở vẫn cao hơn so với thực tế nên người có nhu cầu thực sự thì không có khả năng tạo lập nhà ở, trong khi những người tham gia đầu tư thì lại có điều kiện thực hiện đầu tư làm cho giá nhà ở quá cao vì phải qua nhiều khâu trung gian. Không minh bạch và thiếu lành mạnh sẽ khiến thị trường nhà ở phát triển thiếu bền vững.
Thu Hằng