Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, sau một thời gian dài bị khủng hoảng đóng băng, nhờ sự điều chỉnh kịp thời của Nhà nước cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp BĐS, hiện thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong tất cả các phân khúc, trên địa bàn các quận, huyện.
Đáng chú ý, quy mô thị trường tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Cụ thể, năm 2015 đã bán được 26.500/50.000 căn chào bán so với 16.955 căn đã bán được trong năm 2014. Qúy I/2016, giao dịch tuy có dấu hiệu chững lại so với quý IV/2015, nhưng cũng đã bán được khoảng 9.000/57.000 căn dự kiến chào bán trong năm 2016. Đến nay, đã có khoảng 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư có sự tăng trưởng khá mạnh.
Phân khúc BĐS cao cấp, căn học cho thuê, BĐS thương mại đang có sự tăng trưởng mạnh nhất. |
Về nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã khởi công xây dựng 5 dự án mới và đã hoàn thành 4 dự án với quy mô 3.131 căn hộ. Quý I/2016, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang xem xét thêm 2 dự án. Về nhà ở tái định cư, các doanh nghiệp đang tham gia 8 dự án.
Với phân khúc BĐS cao cấp, văn phòng cho thuê, BĐS thương mại hiện nay đang có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu Đông và khu Nam thành phố. Dù vậy, phân khúc nhà ở thương mại loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) trong nhiều năm qua vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng, và hiện nay cung không đủ cầu.
Với sự tăng trưởng của thị trường BĐS trong hơn 1 năm trở lại đây, đến hết năm 2015 đã tiêu thụ được 12.108 căn trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho thuộc 36 dự án đã thống kê cuối năm 2012, chiếm 83,5%. Bên cạnh đó, quy mô tín dụng vào thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2015 cũng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, cao hơn so với mức 10,3% của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ông Lê Hoàng Châu cũng lo ngại thị trường BĐS thành phố đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại. Cụ thể, năm 2015, thị trường BĐS đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc BĐS cao cấp. Không những thế, số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch; giá bán BĐS cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 05% đến trên dưới 15% so với năm 2014.
Chưa kể, cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của bộ chủ quản.“Nhìn toàn cục, thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc. Sự phát triển bền vững của thị trường BĐS chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Cũng theo ông Châu, hiện sức khỏe của doanh nghiệp BĐS vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, có thể dự báo thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015 và sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là đón đầu Hiệp định TPP. Đồng thời, do nguồn cung tăng và áp lực đảm bảo tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng.