Căn cứ vào tình hình thực tế của trường, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) sẽ điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập. Đây là một nội dung được kết luận tại Hội thảo đổi mới cơ chế tài chính với cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ Tài chính và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hôm qua, 29/11.
“Trường nên được tự chủ chi tiêu”
TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết, từ năm 2005, ĐH Ngoại thương là một trong 5 trường được giao thí điểm tự chủ tài chính. Nhà trường đã làm đề án tự đảm bảo chi phí thường xuyên theo lộ trình, tăng học phí theo lộ trình và giảm ngân sách. Năm 2008, trường được tự chủ hoàn toàn. Trước được bao cấp, nay tự lo liệu nhưng nhà trường không được quyền hạn gì hơn so với trường đại học khác, chỉ được tăng một số định mức quy định, được tăng lương cho cán bộ công nhân viên đến 2, 5 lần. Vì không có cơ chế đặc biệt so với trường khác nên không thể phát triển các nguồn thu khác, trong khi các khoản học phí và các khoản thu khác vẫn phải tuân theo quy định của nhà nước. Kết quả là trường chảy máu chất xám vì không thực hiện được chế độ ưu đãi đối với một số đối tượng.
Trường Đại học Ngoại thương là một trong các trường được giao thí điểm tự chủ tài chính. |
TS Ngô Thế Chi, Hiệu trưởng Học viện Tài chính chỉ ra, có những khoản thu trong đào tạo giáo dục phát sinh thêm, trường đã chủ động lấy tiền ra chi, lại không được thanh toán. Hay chuyện sử dụng một máy chiếu ở trường học, mỗi ngày giảng viên giảng 3 ca liên tục, chỉ cần hơn 1 năm là hết khấu hao. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính thì phải 5 năm mới được đầu tư mới. Theo TS Ngô Thế Chi, nên để các trường tự xác định mức khấu hao phù hợp.
Đồng tình với các đánh giá về thực trạng cơ chế tài chính trong giáo dục đại học, TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay giáo dục đại học đang duy trì mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên. Hạn chế của việc này là không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Giảng viên đại học không có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm...
Sẽ tăng mức thu học phí
TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho rằng nếu các trường tự chủ bị cắt tiền từ ngân sách thì Nhà nước phải cho cơ chế, tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, được quyết định mức học phí, được chủ động hơn trong việc thu học phí và sử dụng nguồn học phí. Trường cũng cần được chủ động về biên chế và được phép thành lập các đơn vị trực thuộc.
Còn TS Nguyễn Trường Giang kiến nghị nên chuyển chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ. Từng bước tính đủ học phí theo lộ trình: Giai đoạn 1: Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. Giai đoạn 2: Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập. Song song với việc này là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các trường.
Mặt khác, trường được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc; đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các trường để hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính. Trong đó tự chủ mức thu, nguồn chi nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực tài chính.
Trước kiến nghị của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, hiện nay Chính phủ cho phép một số trường công lập thu mức học phí cao nhưng chất lượng đào tạo lại chưa tương xứng. Vì vậy, các trường được hưởng ưu đãi cần phải xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng để tránh thiệt thòi cho người học.
Bộ xác định cơ chế tài chính cho các ngành nghề khó tuyển, đồng thời tăng số lượng sinh viên cho các ngành nghề xã hội cần, hạn chế lượng sinh viên của các ngành nghề đang có xu hướng bão hòa. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế cấp phát ngân sách cho các trường công lập một cách phù hợp. Xây dựng kế hoạch dài hạn hoặc trung hạn về kinh phí đào tạo. Thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học.
Lê Vân