Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tình trạng học sinh bỏ học hoặc “học giã gạo” (bữa học, bữa nghỉ) sau dịp Tết Nguyên đán ở các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong năm.
Để giảm thiểu tình trạng này, các Sở GD-ĐT đã và đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương nhằm hỗ trợ về vật chất, tuyên truyền, vận động học sinh trở lại lớp đầy đủ.
Thông tin từ các Sở GD - ĐT 15 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, tình trạng bỏ học tại những vùng đặc biệt khó khăn như: Nà Tấu, Mùn Chung, Mường Luân, Chà Cang, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai)… diễn ra hàng năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán- thời điểm diễn ra nhiều lễ hội.
Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng nhất của năm học.
Giáo viên ôn tập cho số học sinh lớp 6 trở lại học ở Trường PTCS Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) nghỉ học sau Tết Nguyên Đán. Ảnh: Thanh Long - TTXVN |
Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học, Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhằm tuyên truyền và vận động học sinh trở lại lớp.
Học sinh bán trú các xã vùng biên được bộ đội biên phòng hỗ trợ lương thực thực phẩm bằng cách trồng rau, tăng gia sản xuất. Đồng thời chúng tôi cũng phát động phong trào “Hũ gạo tình thương” nhằm hỗ trợ những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Với những học sinh có học lực yếu, kém, giáo viên bộ môn phải có trách nhiệm kèm cặp các em và có trách nhiệm để học sinh đến trường sau dịp Tết. Không để học sinh bỏ học vì học lực kém”.
Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc còn có thêm nhân viên hỗ trợ giáo viên ở những điểm trường lẻ của các trường tiểu học. Đây là một phần trong dự án giáo dục tiểu học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước thông qua và hỗ trợ kinh phí hàng tháng.
“Từ trước dịp nghỉ Tết, các giáo viên và nhân viên phải đến tuyên truyền ở từng gia đình về việc đến trường của con em sau dịp Tết. Hầu hết, phụ huynh đều cam kết sẽ vận động con em trở lại lớp đầy đủ”- ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết.
Với những vùng bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua, nhiều tỉnh đã có những sáng kiến kịp thời để đưa học sinh ra lớp đủ. Ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã chỉ đạo tới từng điểm trường, đặc biệt là những trường nằm trong vùng thiệt hại về lũ nặng.
Cụ thể, giáo viên phải kịp thời nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh mình để có những đề xuất phù hợp. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, phải báo cáo kịp thời để Sở cũng như địa phương có thể hỗ trợ. Ví dụ học sinh thiếu sách sẽ được cấp sách, thiếu học phí sẽ được hỗ trợ học phí hay vì đói mà bỏ học thì sẽ được hỗ trợ lương thực…
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, tại những tỉnh miền núi phía Bắc, sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.
Gắn kết học sinh trong khu nội trú, khu trọ học thông qua các hoạt động tập thể như: Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, làm vườn, chăn nuôi cải thiện đời sống. Từ đó giúp học sinh thêm yêu trường lớp, khắc phục khó khăn, tăng cường học tiếng Việt, giảm thiểu tư tưởng nghỉ học, bỏ học.
Mở rộng quy mô bán trú dân nuôi là một trong những giải pháp được nhiều tỉnh triển khai để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Sở GD- ĐT Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ học bổng cho hơn 6.000 học sinh bán trú dân nuôi tại các trường phổ thông theo hình thức lồng ghép cùng các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác của địa phương.
Hay tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú, để tiền hỗ trợ người học được hưởng chứ không phải phụ huynh được hưởng.
Lê Vân