Điều tra nguyên nhân nữ sinh bị ngất xỉu hàng loạt

Liên quan đến tình trạng nữ sinh trường cấp II - III Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) liên tiếp bị ngất xỉu hàng loạt, nhiều phụ huynh học sinh đã không nắm rõ nguyên nhân nên dẫn đến những phản ứng gay gắt hoặc sử dụng các phương pháp mê tín dị đoan đã làm cho tình hình không được cải thiện trong thời gian qua.

Vào chiều 11/2, lại có thêm 17 nữ sinh bị ngất xỉu. Tính từ ngày 17/1 đến nay, ngoài thời gian nghỉ học, cứ mỗi ngày lại có từ 12 - 40 học sinh ở trường này bị ngất xỉu. Tất cả đều thuộc 2 khối lớp 8 và 11, xảy ra nhiều nhất từ 13 đến 15 giờ mỗi ngày.

Lúc 14 giờ ngày 11/2, có 2 nữ sinh đứng giữa sân trường bỗng ngã qụy, ngất xỉu; hàng loạt học sinh khác liền chạy đến đưa bạn vào nơi thoáng mát. Trước từng dãy phòng học, có nhiều nữ sinh ngồi thở dốc, mắt trợn ngược, tay chân tê cứng...


Cứ trong vài phút lại có một nữ sinh bị ngất, được các học sinh khác bế chạy sang trạm y tế xã ngay đối diện cổng trường hoặc vào văn phòng, phòng trực, những ghế đá thoáng mát để giúp các em tỉnh lại.

Trước tình trạng trên, nhiều phụ huynh đã phải theo con đi học. Ông Lê Văn Trung, phụ huynh em Lê Thị Sửu, lớp 11C, nói: “Con đi học thì cha mẹ cũng phải đi học luôn suốt gần 2 tháng nay. Chiều nào cũng tới đứng đây chờ hễ con bị xỉu thì lại chở về nhà, tôi đã hơn 5 lần phải đưa con về nhà giữa buổi”.

Em Trần Thị Thùy Linh là một trong những nữ sinh thường xuyên bị hội chứng hysteria, chiều 11/2, em lại bị ngất.


Hai vợ chồng ông Nguyễn Sao Ny và bà Dương Thị Thu vừa bế con là Nguyễn Thị Hoài Thương, lớp 11C, chạy vội vào trạm y tế xã, bà Thu nói: “Sau Tết, đi học lại được ba ngày thì bị ngất xỉu cả 3 ngày. Trước đó, nó cũng bị nhiều lần rồi, vợ chồng tôi xin cháu nghỉ học 10 ngày để nằm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên nhưng các bác sỹ không tìm ra bệnh lý gì. Vậy mà hễ cứ đi học là bị ngất, còn về đến nhà là ăn, chơi bình thường”.

Trước phòng học 11A, em Hồ Thị Thu Quyên đang thở dốc, gà gật như muốn ngất đi; em được 2 bạn cùng lớp giúp nắn, bóp tay chân, cho uống nước trong khi sau lưng em, lớp học vẫn diễn ra bình thường. Giờ giải lao, em Lê Thị Mỹ Hạnh, lớp 11G, vẫn vui vẻ ngồi cạnh một bạn học bị ngất cho biết: “Cháu đã bị ngất bốn lần; lúc ấy chỉ cảm thấy khó thở, đau đầu và tay chân bị cứng. Sau khi tỉnh lại vẫn khỏe mạnh bình thường và vẫn học được”.

Trong khi đó, rất đông phụ huynh học sinh tập trung đứng chờ trước cổng trường. Nhiều phụ huynh học sinh đã có những thái độ không đồng tình với nhà trường; yêu cầu nhà trường đóng cửa hoặc cho biết sẽ khuyên con bỏ học.


Thậm chí, đã xảy ra va chạm giữa người nhà học sinh và bảo vệ nhà trường, phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng công an. Trong dịp Tết, nhiều gia đình có con, em bị ngất xỉu đã cho mời thầy cúng về cúng bái tại gia hay ngay trong trường học. Và trên thực tế thì tình trạng này vẫn không thuyên giảm khi các em đi học trở lại.

Hiệu trưởng trường cấp II – III Sơn Thành Tây, ông Châu Lợt nói: “Theo xác định của ngành y tế, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là hội chứng tâm, sinh lý hysteria. Các trường hợp ngất xỉu chỉ xảy ra trong số khoảng 50 em ở 2 khối lớp. Việc nhiều phụ huynh phản ứng căng thẳng càng làm cho vấn đề phức tạp thêm và hội chứng càng diễn ra nhiều hơn”.

Trước đó, Huyện ủy, UBND huyện Tây Hòa cùng nhà trường đã phối hợp với ngành giáo dục, y tế nhiều lần điều tra và đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngất xỉu hàng loạt là do hội chứng hysteria.


Đây là hội chứng xảy ra đối với các nữ sinh tuổi dậy thì, đang phát triển nhanh nhưng thiếu một số vi chất gây mất cân bằng tâm sinh lý. Để khắc phục, nhà trường đã thử cho đổi buổi học, đổi phòng học, đổi chỗ ngồi, nhưng tình hình không cải thiện được nhiều. Những em hay bị ngất vẫn gặp phải triệu chứng này dù được hoán đổi trong khi không xảy ra trường hợp ngược lại.

Có mặt tại trường trong chiều 11/2, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, bác sỹ Nguyễn Hùng đã trực tiếp khám cho một số trường hợp ngất; sau khi bấm huyệt nhân trung và xoa bóp, tất cả đều hồi tỉnh. Bác sỹ Nguyễn Hùng khẳng định: “Các trường hợp bị ngất đều có chỉ số huyết áp và nhịp tim bình thường, da mặt hồng hào, các em chỉ bị khó thở, tay chân hơi lạnh và cứng là triệu chứng của hội chứng hysteria.

Các em cần các liệu pháp tâm sinh lý để điều trị và ngăn chặn hiện tượng quay trở lại”. Ngoài việc bổ trợ cho nhà trường những phương pháp cứu chữa, bác sỹ Hùng cũng đã đề nghị nhà trường cần tăng cường hơn nữa các liệu pháp tâm lý, giúp nữ sinh vận động nhiều trước mỗi giờ học.


Về thông tin có kho hóa chất bên trong trường học, bác sỹ Nguyễn Hùng khẳng định: “Các chỉ số về môi trường đã được đoàn y, bác sỹ ngành y tế tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế cho thấy không có chất liệu hóa chất nào gây ảnh hưởng đến học sinh”.

Hội chứng hysteria không phải là bệnh lý mà là một hội chứng tâm sinh lý thường bị dây chuyền và đã xảy ra tại rất nhiều trường học ở nước ta. Vấn đề là cả số lượng nữ sinh và thời gian xảy ra tình trạng ngất xỉu đều ít và ngắn hơn trường hợp ở trường cấp II - III Sơn Thành Tây.


Vì vậy, bác sỹ Nguyễn Hùng cho biết vấn đề chính hiện nay là gia đình, phụ huynh học sinh cần bình tĩnh phối hợp với nhà trường và các ngành liên quan dần dần ngăn chặn tình trạng này. Sự hoang mang, mất bình tĩnh của người nhà càng làm cho hội chứng dễ lây lan nhanh và xảy ra với cường độ cao hơn.

Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN