Bị cáo Đặng Văn Hiến bị tuyên án “Tử hình” về tội giết người . |
Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên án “tử hình” đối với bị cáo Đặng Văn Hiến (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú tại xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) về tội “giết người”. Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của bị cáo Hiến có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, giết nhiều người và phạm tội có tính chất côn đồ, cần áp dụng hình phạt ở mức cao nhất để đảm bảo tính răn đe.
Hai bị cáo Ninh Viết Bình (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Hà Văn Trường (sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú ở xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) bị tuyên phạt lần lượt 20 và 15 năm tù giam cũng về tội “giết người” nhưng tính chất, mức độ thấp hơn bị cáo Hiến.
Tòa cũng bắt buộc các bị cáo Hiến, Bình, Trường phải bồi thường cho người thân 3 nạn nhân tử vong và một số nạn nhân bị thương do vụ xả súng và phải chu cấp cho con các nạn nhân đã tử vong theo đúng quy định pháp luật.
Về phía hai bị cáo là người của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư, thương mại Long Sơn, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 6 năm tù đối với bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc, sinh năm 1962, hộ khẩu thường trú phường 5, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “hủy hoại tài sản". Tuyên phạt 4 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Thiện (Trưởng quản lý, sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng với tội danh “hủy hoại tài sản”. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định hành vi của hai bị cáo Sửu, Thiện là có tổ chức và tài sản thiệt hại lớn cần phải xử lý nghiêm.
Tòa cũng tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Đoàn Văn Diện (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) về tội “che dấu tội phạm”. Diện được xác định tạo điều kiện và hỗ trợ để Hiến, Trường bỏ trốn.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xác định đối tượng Ninh Viết Thọ (anh ruột bị cáo Ninh Viết Bình) đã có hành vi mang gậy sắt đến hiện trường với mục đích hỗ trợ cho các đối tượng Hiến, Bình nhưng sau đó đã không hỗ trợ nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các đối tượng khác trong “đoàn cưỡng chế” của Công ty Long Sơn cũng đã có hành vi giúp sức phá hủy, hủy hoại tài sản của một số hộ dân nhưng chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Công ty Long Sơn và bản thân các đối tượng cũng không biết những hành vi trên là vi phạm pháp luật nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng của huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông trong việc quản lý, nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng trái phép không kịp thời, dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng, canh tác, cư trú trái phép trên đất rừng, Chính phủ đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông đang giải quyết. Cơ quan điều tra cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét xử lý trong phiên tòa.
6 bị cáo trong vụ nổ súng do tranh chấp đất rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. |
Kết quả điều tra xác định, tháng 2/2008, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư, thương mại Long Sơn thuê gần 1.100 ha đất rừng tại tiểu khu 1535, thuộc địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư, thương mại Long Sơn là ông Nguyễn Văn Thành. Đến tháng 6/2013, Sửu và vợ là Nguyễn Thị Hồng Tươi nhận chuyển nhượng công ty từ Nguyễn Văn Thành để tiếp tục thực hiện dự án.