Kiên quyết xử lý vi phạm an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên

Để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tụ tập sử dụng phương tiện tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu... gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn, Công an tỉnh phối hợp với các ngành, nhà trường triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật an toàn giao thông.

Chú thích ảnh
Học sinh tại thành phố Hạ Long điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm. 

Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông

Thực hiện Kế hoạch số 807/KH-CAT-PV01, ngày 12/2/2023 của Công an tỉnh về cao điểm thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh tụ tập sử dụng phương tiện phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh, đến hết tháng 10 năm 2023, tỉnh Quảng Ninh xử lý khoảng 3.400 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông, trật tự công cộng (tăng khoảng 2.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022), tạm giữ trên 2.900 phương tiện, tước giấy phép lái xe gần 30 trường hợp, cảnh cáo trên 900 trường hợp. Các địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao như thành phố Hạ Long, Tiên Yên, Cẩm Phả, Móng Cái...

Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, không đủ tuổi điều khiển phương tiện, đi ngược chiều, không mang đăng ký xe, thay đổi tính năng sử dụng của hệ thống giảm thanh, không có giấy phép lái xe, giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi, không có gương chiếu hậu, lạng lách, đánh võng...

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện đánh võng, nẹt pô, dàn hàng hai, hàng ba, chạy với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến các em học sinh, trong đó có 6 vụ tai nạn giao thông do các em học sinh gây ra, có trường hợp tử vong. Đáng buồn là việc học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông có sự bao che của các bậc phụ huynh, nhà trường. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp kiểm tra tại trường học phát hiện một số phụ huynh mua giấy phép lái xe giả cho con để hợp thức hóa việc điều khiển phương tiện. Một số nhà trường lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thi đua nên chưa quyết liệt và chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm quy định an toàn giao thông.

Tại thành phố Hạ Long, tỷ lệ xử lý thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm luật an toàn giao thông đang ở mức cao nhất so với các địa phương trong tỉnh với trên 1.000 trường hợp.

Trung tá Nguyễn Văn Năng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự Công an thành phố Hạ Long cho biết, các lỗi chủ yếu của học sinh, sinh viên là không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định. Ví dụ xe mô tô phải đủ 18 tuổi trở lên, đối với xe máy điện ( xe biển AA) phải từ 16 tuổi trở lên. Nhiều phụ huynh giao xe cho con khi chưa đến tuổi. Khi bị xử lý, các phụ huynh cho biết, do điều kiện công việc, không thể đưa đón con đi học chính khóa, học thêm, các hoạt động khác nên trang bị cho con phương tiện để đi lại.

Chú thích ảnh
Học sinh tại thành phố Hạ Long chở ba, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi.

Xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người chưa đủ tuổi

Để ngăn chặn các vụ việc gấy rối an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Điển hình vào ngày 1/5/2023, Công an thành phố Móng Cái phát hiện, bắt giữ, khởi tố một vụ 15 bị can, trong đó có 9 bị can là người dưới 18 tuổi về hành vi Gây rối trật tự công cộng. Đây là nhóm đối tượng có độ tuổi từ 16 đến 21, thường trú trên địa bàn thành phố Móng Cái, vào đêm 30/4, rạng sáng 1/5, đã điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, sử dụng nhiều loại vũ khí “nóng” truy đuổi nhau trên các cung đường lớn gây mất an ninh, trật tự, gây tắc nghẽn giao thông, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tới đây, lực lượng sẽ làm rõ hành vi của những người giao xe cho người dưới tuổi vị thành niên tham gia giao thông. Khi trẻ chưa đến tuổi vị thành niên tham gia đua xe, gây tai nạn, đủ chứng cứ, khi khởi tố vụ án sẽ truy trách nhiệm hình sự đến cùng những đối tượng liên quan.

Để kéo giảm tình trạng thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên vi phạm Luật An toàn giao thông thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, gia đình có vai trò làm gương, giáo dục cho con em mình chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.

Theo bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Ninh, việc áp dụng biện pháp mạnh như khởi tố người giao xe cho trẻ dưới 18 tuổi để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là rất cần thiết. Nhiều học sinh vi phạm một phần là gia đình tạo điều kiện, hoặc một số phụ huynh không làm gương, không chấp hành quy định an toàn giao thông. Do vậy, cùng với nhà trường, gia đình và xã hội cùng phải dốc sức, cộng với sự quyết liệt của lực lượng chức năng sẽ giảm được những nguy cơ, những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm số vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên, Công an tỉnh phân công Cảnh sát Hình sự và Cảnh sát iao thông mật phục ở tất cả các tuyến đường thường xuyên phát hiện xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép. Đồng thời tiếp tục tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông trong các trường học và ký cam kết với các phụ huynh, yêu cầu không giao xe cho các cháu khi chưa đủ tuổi, có các biện pháp giáo dục khi con em mang phương tiện đi tự chế, lạng lách, đánh võng.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Lan tỏa tích cực văn hóa giao thông an toàn trong giới trẻ
Lan tỏa tích cực văn hóa giao thông an toàn trong giới trẻ

Sáng 11/11, tại Quảng trường 2/4 thành phố Nha Trang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Ngày hội Thanh niên với văn hóa giao thông năm 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN