Cảnh báo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc huy động vốn

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các đối tượng lừa đảo chuyên huy động vốn vay của nhiều người, hứa hẹn trả lãi cao nhưng sau đó bằng nhiều thủ đoạn, đã chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Chú thích ảnh
Đối tượng Đỗ Thị Minh Huệ bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do huy động vốn hàng tỷ đồng của người dân nhưng không trả. Ảnh: TTXVN phát

Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình huy động vốn. Phía Công an tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo, cảnh báo đến người dân. Công an tỉnh Gia Lai cũng triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn, khiến các đối tượng hoạt động trong các đường dây này không còn cơ hội hoạt động. Chính vì thế, bọn chúng đã quay sang hình thức huy động vốn, lợi dụng những người có công ăn việc làm ổn định, gia đình có kinh tế, địa vị để đứng ra huy động vốn với hứa hẹn trả lãi cao với những người cho vay.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, sở dĩ các đường dây huy động vốn này vẫn hoạt động thường xuyên là do công việc làm ăn của người dân thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19 bị sa sút, người dân biết lãi cao mà vẫn vay để phục hồi kinh doanh. Ngoài ra, việc huy động vốn cũng phục vụ cho các đối tượng cờ bạc, trong khi các đối tượng này khi bị công an bắt sẽ không có khả năng trả nợ.

Do vậy, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân, không nên cho vay với hình thức huy động vốn lãi cao vì rủi ro rất lớn. Vì trong thời gian vay, số vốn này không thể tái tạo ra lãi cao như các đối tượng vay hứa hẹn. Người dân nên gửi tiền vào ngân hàng hoặc những nơi tin tưởng, không nên tạo cơ hội cho đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội. 

Theo thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai, trong năm 2020, công an tỉnh đã điều tra, xử lý 48 vụ việc liên quan đến hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đặc biệt là các hình thức huy động vốn, cho vay lãi suất cao. Đặc biệt, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 23 vụ việc tương tự được Công an tỉnh thụ lý, điều tra, trong đó có những vụ việc các nạn nhân tố cáo bị lừa đảo hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai đã phát đi thông báo tìm bị hại của đối tượng lừa đảo Đỗ Thị Minh Huệ (42 tuổi, trú tại phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, Gia Lai). Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng, khám xét nơi ở của đối tượng Đỗ Thị Minh Huệ. Đối tượng này bị bắt vì liên quan đến việc đã huy động hàng tỷ đồng của nhiều người dân trên địa bàn với lời hứa hẹn mua vàng, đô la ăn chênh lệch rồi thanh toán lãi suất cao, nhưng thực tế Huệ không trả lại số tiền đã vay cho các bị hại.

Qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, Công an tỉnh Gia Lai xét thấy có đủ cơ sở khẳng định Đỗ Thị Minh Huệ đã có hành vi gian dối, đưa ra thông tin không có thật nhằm chiếm đoạt của bị hại hơn 5 tỷ đồng. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã thi hành lệnh bắt, khám xét nơi ở của đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi phạm tội.

Trước đó, ngày 10/5, Công an tỉnh Gia Lai cũng đã bắt tạm giam Chu Nữ Diệu Huyền, sinh năm 1986, nguyên cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Huyền là đối tượng liên quan trong vụ việc Lê Thị Thương (nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai) "vỡ nợ" gần 200 tỷ đồng tại tỉnh Gia Lai vào cuối năm 2020.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2020, lợi dụng mối quan hệ quen biết, Lê Thị Thương (32 tuổi, trú tại 31/18 Ama Quang, Tổ 8, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku) đã vay mượn tiền của nhiều người với mục đích cho người dân vay đáo hạn ngân hàng. Đến đầu tháng 6/2020, mặc dù mất khả năng chi trả nhưng Thương vẫn tiếp tục tìm đến một số người khác vay mượn tiền với lý do đáo hạn nợ vay ngân hàng cho khách.

Hồng Điệp (TTXVN)
Biến tướng các chiêu lừa đảo tài khoản
Biến tướng các chiêu lừa đảo tài khoản

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã gửi cảnh báo đến khách hàng của mình về tội phạm công nghệ cao tiếp tục xuất hiện. Bằng một số hình thức lừa đảo mới, tội phạm công nghệ hướng tới đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN