Cái "nôi" của phong trào công nhân
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân; duy trì nền kinh tế lạc hậu dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ sở kinh tế công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Sau khi cuộc xâm lăng và bình định đã cơ bản hoàn thành, thực dân Pháp liền bắt tay tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng ra cả nước. Các nhà máy rượu bia, vải sợi, điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê...lần lượt ra đời và đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành, họ là nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 1929, tổng số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản Pháp là hơn 22 vạn người, trong đó có 5,3 vạn thợ mỏ, 8,6 vạn công nhân các ngành công thương nghiệp, 8,1 vạn công nhân các đồn điền trồng cây công nghiệp. Đó là chưa kể đến những người làm ở xí nghiệp thủ công lớn, nhỏ, thợ may, thợ cạo, thợ giặt, bồi bếp, khuân vác ở hải cảng... Tuy nhiên, trước sự chèn ép, bóc lột sức lao động của các chủ doanh nghiệp, những người công nhân đã đoàn kết lại, tổ chức nhiều cuộc bãi công nhằm đấu tranh đòi quyền lợi. Đó cũng là điều kiện cơ bản làm xuất hiện một giai cấp mới - giai cấp công nhân Việt Nam.
Quảng Ninh là một trong những "cái nôi" hình thành và phát triển của giai cấp công nhân mỏ, mà đỉnh cao là cuộc tổng bãi công và nổi dậy của hơn 3 vạn thợ mỏ vào tháng 11/1936 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng. Cuộc bãi công bắt đầu từ Cẩm Phả rồi lan rộng ra phạm vi toàn khu mỏ với khẩu hiệu đấu tranh cách mạch "Kỷ luật và đồng tâm, ta nhất định thắng". Với tinh thần đấu tranh bền bỉ, liên tục và quyết liệt, cuộc Tổng bãi công kéo dài gần 20 ngày, đêm của những người thợ mỏ đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức "kỷ luật và đồng tâm", về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ. Ngày 12/11 năm ấy đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày truyền thống của công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải cho biết, trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển, từ những lớp thợ mỏ trong thời kỳ Pháp thuộc, giai cấp công nhân mỏ đã sớm giác ngộ và trưởng thành. Họ là những nhân tố quan trọng trong phong trào vô sản hóa, những người đảng viên đầu tiên của Đảng, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau khi thành lập Đảng, giai cấp công nhân mỏ được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thợ mỏ và giai cấp công nhân mỏ là bộ phận máu thịt của giai cấp công nhân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất và xây dựng đất nước.
"Khẩu hiệu "Kỷ luật và Đồng tâm" chúng ta sẽ thắng, ngay từ cuộc đình công tháng 11/1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ", ông Đặng Thanh Hải nhấn mạnh.
Tuyệt đối trung thành với Đảng
Một trong những đặc điểm nổi bật của công nhân Việt Nam nói chung và công nhân mỏ nói riêng là tuyệt đối trung thành với Đảng, tiên phong cách mạng, đoàn kết, dũng cảm kiên cường của công nhân mỏ từ truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" không chỉ phát triển trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương Vùng mỏ đẹp giàu mà tinh thần ấy, truyền thống văn hóa ấy đã được phát huy tốt trong lao động sản xuất của thợ mỏ, nhất là ở những thời điểm khó khăn, thời điểm có tính bước ngoặt.
Khi đất nước thống nhất, công nhân vùng mỏ đã góp phần cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc đổi mới hiện nay đội ngũ công nhân vùng mỏ đã phát huy truyền thống vẻ vang, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo tiếp tục làm nên những thành tựu to lớn, cung cấp thật nhiều than cho tổ quốc, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Công nhân mỏ ngày càng làm chủ công nghệ sản xuất mới, lao động với năng suất, hiệu quả ngày càng cao.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, các thế hệ người lao động ngành than luôn giữ vững ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết và triệt để cách mạng của công nhân vùng mỏ đã trở thành truyền thống vẻ vang, là nền tảng vững chắc và là động lực then chốt để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đi qua những thăng trầm của lịch sử và không ngừng phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, với chủ đề hoạt động "Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở", Công đoàn ngành Than tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tuyên truyền, động viên người lao động đoàn kết, vượt khó, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đề ra, với phương châm hành động "Đổi mới - Thiết thực - Hiệu quả" vì lợi ích của người lao động, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Theo đó, Công đoàn tập trung vào một số giải pháp chính: Nâng cao chất lượng và hiệu quả nhiệm vụ đại diện chăm lo quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức phong trào thi đua theo hướng thiết thực, góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; tập trung tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên và người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh…
Trước thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nước ta được quản lý theo cơ chế hành chính, tập trung, bao cấp, giai cấp công nhân nước ta có số lượng không lớn và khá thuần nhất về cơ cấu thành phần và ngành nghề, công nhân làm việc chủ yếu trong thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã tạo bước chuyển quan trọng đối với cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã hình thành và phát triển nhanh. Điều đó đã tạo sự chuyển biến trong cơ cấu lao động xã hội, làm cho lực lượng công nhân - lao động công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu. Trong đó, số công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng, đồng hành cùng công nhân.
Nhận định về giai cấp công nhân, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã luôn luôn hăng hái đi đầu trong sự nghiệp cách mạng và hoạt động đúng hướng, góp phần vào những thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng của nước ta. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam".
Theo ông Phạm Thế Duyệt, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trước đây tuy còn nhỏ bé nhưng đã có những đóng góp rất quan trọng vào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Trước Cách mạng Tháng Tám, Tổng khởi nghĩa năm 1945, 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm đấu tranh chống Mỹ và hơn 30 năm đổi mới nhưng cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng, phát triển trong đó có vai trò không nhỏ của tổ chức Công đoàn. Ngày nay, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao".
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, giai cấp công nhân Việt Nam vừa là lực lượng tiên phong cách mạng, lực lượng nòng cốt trong lao động, sản xuất, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặc dù là lực lượng xã hội to lớn, giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng công nhân Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập, đời sống, ít có cơ hội thụ hưởng các giá trị văn hóa, còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa.
Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Công đoàn và toàn xã hội cần tiếp tục nỗ lực giải quyết các khó khăn, bức xúc của công nhân lao động, giúp công nhân Việt Nam được thụ hưởng nhiều hơn các giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa trong việc tạo ra các giá trị văn hóa tốt đẹp của giai cấp và dân tộc.