Xây dựng quy chế xử lý “điểm đen” TNGT trên đường bộ

Việc khắc phục, xử lý các “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) được nhiều chuyên gia “ví von” như việc quét nhà, quét xong chỗ này lại bụi chỗ khác. Trong khi nguồn kinh phí sửa chữa đường bộ còn hạn hẹp thì các “điểm đen” TNGT lại luôn phát sinh, khiến công tác khắc phục luôn gặp khó khăn.

 

Vòng xoay Khuất Duy Tiến (Hà Nội) thường hay xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: CTV

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng Thông tư bổ sung các tiêu chí xác định và trình tự khắc phục “điểm đen” TNGT sát với thực tế, làm cơ sở cho các địa phương và các cơ quan hữu quan xử lý, cũng như tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho người đi đường.

Ám ảnh “điểm đen” TNGT


Theo phân tích của các chuyên gia giao thông, các “điểm đen” TNGT thường tiềm ẩn 3 nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn là: nhược điểm của đường cộng với tác động của môi trường; khiếm khuyết của phương tiện và do lỗi của người tham gia giao thông. Trong đó, lỗi của người tham gia giao thông chiếm tới 90% số vụ tai nạn, điển hình là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, không nhường đường, chạy quá sát xe phía trước hoặc không tập trung quan sát, nên không xử lý kịp thời tình huống… Ngoài lỗi của người tham gia giao thông, nhược điểm của đoạn đường tác động trực tiếp tới các vụ TNGT. Thực tế, nhiều “điểm đen” TNGT trên quốc lộ (QL) hiện nay có thiết kế chưa khoa học, thiếu các yếu tố cảnh báo về ATGT như: thiếu biển báo, vạch sơn, hộ lan, đèn đường, đường cong khuất tầm nhìn, bị xuống cấp do tác động của môi trường, lạc hậu...


Với những tiêu chí trên, theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), cả nước hiện có khoảng 320 “điểm đen” TNGT, chủ yếu nằm trên các tuyến QL1, 2, 6, 91, 70, đường Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, hàng ngày, các “điểm đen” này vẫn tiếp tục gia tăng, thể hiện qua các vụ TNGT nghiêm trọng cả về số lượng và mức độ thời gian gần đây.


“Điểm đen” ngã tư giao nhau giữa QL1A với đường tỉnh lộ 398 qua xã Song Khê (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) từ lâu người dân địa phương gắn cho cái tên “ngã tư tử thần”, vì trong 5 năm qua, tại đây đã xảy ra gần 30 vụ TNGT nghiêm trọng, làm hơn 30 người chết và hàng chục người bị thương. Theo quan sát của phóng viên, tại “điểm đen” này, đường rộng, thông thoáng, không bị che khuất tầm nhìn, nhưng nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT theo các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) là do các phương tiện tham gia giao thông đi nhầm làn đường với tốc độ cao và không kịp tránh nhau. Mặc dù, có đầy đủ hệ thống biển, đèn báo hiệu, nhưng hầu hết lái xe hoặc người đi lần đầu đều rất khó nhận biết.


Khu vực đường dẫn lên cầu cạn đi cầu Thanh Trì (đoạn đầu đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) hướng đi về đường Khuất Duy Tiến hiện đang là “điểm đen” TNGT của thành phố. Từ cuối năm 2011 đến nay đã có 6 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại đây. Hầu hết các vụ TNGT tại “điểm đen” này đều xảy ra vào ban đêm, nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện giao thông phóng nhanh, không làm chủ tốc độ khi đến khu vực dốc lên, xuống cầu cạn. Đoạn đường ở dốc lên, xuống này bị thắt cổ chai, cua gấp, thiếu hệ thống chiếu sáng, không có vạch sơn, gờ giảm tốc, nên nhiều phương tiện đang phóng nhanh từ đường rộng, vào đoạn thắt cổ chai gặp khúc cua không kịp phản ứng, tự va vào lan can thành cầu, gây ra tai nạn đáng tiếc. Công an huyện Thanh Trì đã kiến nghị tới các ngành chức năng và cảnh báo về nguy cơ “điểm đen” TNGT này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Điểm đen” này nếu không được các cơ quan hữu quan sớm xử lý dứt điểm, sẽ gia tăng tình trạng TNGT.


Thực hiện Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra TNGT trên đường bộ, hàng năm Tổng cục ĐBVN đều dành nguồn vốn sửa chữa, bảo trì đường bộ thường xuyên để kịp thời cải tạo, nâng cấp các “điểm đen”, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT xảy ra. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động tiêu cực, nhất là địa chất địa hình đường sá tại khu vực phát sinh “điểm đen”, tác động môi trường, ý thức tuân thủ luật giao thông hạn chế, nên không ít “điểm đen” vẫn tồn tại dai dẳng, trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người đi đường. Bên cạnh đó, các tiêu chí xác định vị trí tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm đen” TNGT, trách nhiệm của các đơn vị liên quan chưa được cụ thể hóa... khiến công tác khắc phục, xóa sổ, ngăn chặn “điểm đen” TNGT phát sinh gặp nhiều trở ngại.

 

Chủ động khắc phục


Từ thực tế trên, Bộ GTVT đang gấp rút xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra TNGT trên đường bộ đang khai thác thay thế Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT.


Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục ĐBVN đã đầu tư xử lý gần 100 vị trí tiềm ẩn gây TNGT và xóa sổ khoảng 50 “điểm đen” TNGT, với kinh phí 60 tỷ đồng. Sở GTVT các địa phương cũng đã xử lý hơn 300 “điểm đen” TNGT trên hệ thống đường địa phương. Các vị trí “điểm đen” TNGT sau khi được giải quyết đã phát huy hiệu quả khai thác của tuyến đường, góp phần bảo đảm ATGT, giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT, các tiêu chí xác định “điểm đen” TNGT không còn phù hợp với thực tế, quy mô tuyến đường và không theo kịp tốc độ gia tăng lưu lượng vận tải, nếu không được bổ sung kịp thời dễ phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là làm gia tăng các vụ TNGT không được cảnh báo trước.


Theo đó, Thông tư quy định xử lý “điểm đen” TNGT trên đường bộ mới về cơ bản được giữ nguyên so với Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT như: Tại vị trí đường bộ trong một năm có 2 vụ TNGT nghiêm trọng hoặc 4 vụ TNGT trở lên (so với 3 vụ như trước đây) và bổ sung tiêu chí các vụ TNGT nhưng chỉ có người bị thương phải nhập viện. Việc bổ sung tiêu chí “người bị thương phải nhập viện” nhằm xác định sự xác thực của các con số thống kê. Đặc biệt, dự thảo Thông tư bổ sung tiêu chí “xác định vị trí tiềm ẩn TNGT”, là nội dung mà Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT chưa đề cập đến. Việc mở rộng phạm vi xác định và đưa vào diện cần khắc phục ngay các vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ góp phần nâng cao chất lượng khai thác và bảo đảm ATGT trên các tuyến đường. Theo đó, tiêu chí xác định điểm tiềm ẩn TNGT là: “Hiện trạng công trình đường bộ và xung quanh vị trí có yếu tố có thể gây mất ATGT” và “trong một năm, xảy ra 5 vụ va chạm trở lên hoặc có ít nhất 1 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương phải nhập viện”.


Thêm vào đó, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc xác định và xử lý “điểm đen” TNGT, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT như: Theo dõi và đánh giá kết quả xử lý “điểm đen” TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT do đơn vị sở tại trực tiếp quản lý tuyến, đoạn tuyến thực hiện và báo cáo kết quả về các khu quản lý đường bộ, sở GTVT địa phương. Đặc biệt dự thảo bổ sung trách nhiệm quản lý vấn đề này đối với các tuyến đường BOT (hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao) và BTO (hợp đồng xây dựng, chuyển giao, kinh doanh), nhằm tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp làm đường giao thông trong việc theo dõi và đánh giá kết quả xử lý “điểm đen” TNGT. Có thể thấy, công tác xử lý “điểm đen” TNGT phải luôn song hành với các biện pháp cưỡng chế thực hiện luật và tuyên truyền ý thức chấp hành luật mới giải quyết tận gốc vấn đề.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN