Tình trạng bạo lực với phụ nữ của Việt Nam đang nghiêm trọng hơn nhiều so với thế giới. Thống kê cho thấy, khoảng 63% (tương đương khoảng 2/3, trong khi con số này trên thế giới là 1/3) số chị em từng phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực về: Thể xác, tình dục, tinh thần, kiểm soát hành vi, bạo lực kinh tế… do chồng gây ra trong đời.
Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Lan, Điều phối viên quốc gia chương trình Di cứ an toàn và bình đẳng tại hội thảo “Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tổ chức ngày 27/6.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, tình hình bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam có xu hướng tăng lên; thể hiện rõ qua các cuộc gọi tới các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Đơn cử như trong thời gian giãn cách xã hội (từ tháng 4/2021), số cuộc gọi tới Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPNVN) để nhờ hỗ trợ tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ của năm trước đó; vấn đề bạo lực gia đình và bạo lực giới đều có sự gia tăng.
Các chuyên gia cũng lo ngại, có tới 90% các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại Việt Nam không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ. Trong khi đó, với phụ nữ đã từng bị bạo lực có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Vì vậy, các dịch vụ thiết yếu như: Chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ xã hội, dịch vụ tư pháp và pháp lý cho phụ nữ là rất cần thiết.
“Hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản hạn chế người bị bạo lực tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, kể cả các kênh chính thức và không chính thức. Một số trường hợp, chị em phụ nữ không biết tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ ở đâu khi bị bạo lực. Bên cạnh đó, rào cản văn hoá - xã hội như thái độ của người xung quanh khiến phụ nữ nản lòng trong việc đi tìm sự trợ giúp. Điều này dẫn tới họ có thể coi việc bạo lực là điều tất yếu, cảm thấy e ngại, xấu hổ, lo sợ người khác sẽ nghĩ không tốt về mình…”, bà Phạm Thị Lan chia sẻ.
Nhiều chị em phụ nữ bị bạo lực không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ vì nhiều lý do; trong đó có chất lượng dịch vụ còn kém, họ thiếu kiến thức về các dịch vụ này, không mong đợi nhiều sự hỗ trợ từ các dịch vụ, nghi ngờ việc các dịch vụ này sẽ không đảm bảo an toàn cho mình, xấu hổ trong việc trình báo sự việc…
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho rằng: “Tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, mua bán hiện nay vẫn rất đáng lo ngại. Trước thực trạng trên, từ nhiều năm nay, Trung ương Hội LHPNVN đã ban hành Quy định và hướng dẫn các cấp Hội tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Hội tăng cường phối hợp thông qua ký kết và thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em (phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp...). Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng nói chung về bạo lực giới, buôn bán phụ nữ, cũng như các vấn đề nổi cộm khác”.
Bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận, công tác phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ hiện vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn ít kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ.
Từ kết quả nghiên cứu và rà soát các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, vừa qua Hội LHPNVN đã phối hợp với tổ chức UNWomen xây dựng “Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người” dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp để tạo các kênh an toàn cho chị em phụ nữ có thể tìm đến khi bị bạo lực. Sắp tới Hướng dẫn này sẽ được hoàn thiện và chuyển tới các cấp Hội LHPN tại các địa phương.
Tại Hướng dẫn này, các cán bộ Hội LHPN các cấp được trang bị kiến thức về các quy định pháp luật trong bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực; chỉ ra những sai lầm về bạo lực giới để các đối tượng biết và phân biệt; hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc kkhi hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, nhất là vấn đề lấy nạn nhân làm trung tâm, tôn trọng quyền của họ, bảo đảm an toàn cho họ khi tiếp nhận các trường hợp… Hướng dẫn cũng đã xây dựng chi tiết các tình huống từ khi tiếp nhận thông tin đến khi xác minh nạn nhân, tìm hiểu nhu cầu của nạn nhân đến khi thực hiện hỗ trợ cho nạn nhân… để các Hội viên có thể làm tốt nhất khi tiếp nhận các sự việc về bạo lực.
Theo các chuyên gia, các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực có thể đến từ: Chính quyền địa phương, các tổ chức phụ nữ, tổ chức phi chính phủ, toà án, cảnh sát… Để tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ khi bị bạo lực với các dịch vụ hỗ trợ, công tác ứng phó với bạo lực đòi hỏi phải đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của người bị bạo lực. Cụ thể, các dịch vụ cần đảm bảo chất lượng cao, dễ tiếp cận và lấy người bị bạo lực làm trung tâm (tức là không phán xét); cần sự phối hợp hiệu quả giữa các dịch vụ y tế, dịch vụ pháp lý và tư pháp, dịch vụ xã hội trong ứng phó với bạo lực.
Đặc biệt, phụ nữ cần được tiếp cận các dịch vụ toàn diện tại bất cứ điểm hỗ trợ nào; họ cần có thông tin về tất cả các dịch vụ này, chuyển đến các điểm hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của họ.