Rừng phòng hộ ở Tú Nang - Sơn La đang kiệt quệ

Tình trạng khai thác, chặt phá rừng phòng hộ bừa bãi để làm nương rẫy ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La ngày càng gia tăng làm cho những cánh rừng đang kiệt quệ dần, trong khi đó việc xử phạt các đối tượng vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc cho hưởng án treo, không đủ sức răn đe.               

Phá rừng làm nương rẫy   

Chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Tú Nang tầm 3-4 km, nhưng từ nhiều năm nay lợi dụng yếu tố giáp ranh với bản Tô Vuông và bản Pá Xa, xã Lóng Phiêng, một số người dân bản Tin Tốc, xã Tú Nang, đã bất chấp pháp luật có hành động chặt phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng này, UBND xã Tú Nang đã nhiều lần kết hợp với Chi cục kiểm lâm huyện Yên Châu, lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau vài ngày, các đối tượng lại tiếp tục có hành vi phá rừng.  

Ông Hoàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, huyện Yên Châu cho biết: Xã đã nhiều lần xuống tận bản để tuyên truyền về những lợi ích của việc trồng và bảo vệ rừng, tuy nhiên một số đối tượng lợi dụng yếu tố dân tộc bất chấp pháp luật vẫn cố tình có hành vi đốt, phá rừng để làm nương. Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, ra quyết định đình chỉ việc sản xuất trên đất lâm nghiệp nhưng các đối tượng không chịu nộp phạt, vẫn cố tình trồng ngô, trồng chuối…  

Hiện nay, việc xử phạt các đối tượng trên địa bàn vẫn chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên chưa có tính răn đe cao. Cuối tháng 2/2014, tổ công tác kiểm tra quản lý bảo vệ rừng xã Tú Nang kết hợp với xã Lóng Phiêng, đã phát hiện tại tiểu khu 886-4-h, d1, 11, k thuộc địa phận rừng bản Tin Tốc có 12 đối tượng vi phạm phá rừng làm nương với tổng diện tích gần 12.000 m2, tổ công tác đã lập biên bản xử lý hành chính và đình chỉ việc sản xuất trên đất lâm nghiệp đối với các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không được đốt, phát, dọn rừng chờ cơ quan chức năng giải quyết.  

Tuy nhiên, các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật, đến đầu tháng 4/2014 vẫn tiếp tục có hành vi phá rừng làm ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng. Bản Tin Tốc có 61 hộ với 249 nhân khẩu, diện tích đất sản xuất của bản là 67,2 ha. Rừng phòng hộ bản Tin Tốc là rừng tạp, chủ yếu là tre, loi, nứa với tổng diện tích gần 160 ha, nhưng hiện nay diện tích rừng chỉ còn lại khoảng một nửa.

Việc xử phạt các đối tượng vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc cho hưởng án treo, không đủ sức răn đe. Ảnh: TTXVN


Không chỉ phá rừng làm nương, hiện nay ở khu rừng cộng đồng Lúng Trâu, bản Tà Làng Cao và Tà Làng Thấp cũng xuất hiện một số người dân vào rừng chặt hạ gỗ để lấy thớt vận chuyển ra ngoài với số lượng lớn, mỗi ngày có đến 15-20 xe máy vận chuyển thớt ra ngoài để tiêu thụ.  

Theo UBND xã Tú Nang, xã đã thành lập tổ công tác tuần tra ngăn chặn, nhưng do lực lượng quá mỏng nên chưa thể ngăn chặn được tình trạng này.              

Cần những biện pháp ngăn chặn hiệu quả   

Ông Lò Văn Nhé, Chủ tịch UBND xã Tú Nang cho biết: Thời gian gần đây, các đối tượng phá rừng hoạt động rất tinh vi và thủ đoạn, khi thấy xuất hiện bóng dáng của lực lượng chức năng, các đối tượng này lập tức thông báo cho nhau để lẩn trốn. Do địa bàn rừng núi rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng lại ít nên rất khó để bắt được các đối tượng.

Mặt khác, cơ chế xử phạt các đối tượng phá rừng làm nương còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Xã lập biên bản phạt nhưng dân không chịu nộp tiền. Mới phạt hôm trước, hôm sau lại tái phạm, chính điều này đã làm cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.  

Theo ông Hoàng Văn Đao, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Yên Châu, rừng đã được giao cho xã, bản, hộ dân quản lý nên họ phải có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng. Việc phát hiện các vụ việc có hành vi xâm lấn rừng làm nương, làm rẫy đều nhờ sự tố giác của quần chúng nhân dân, lực lượng kiểm lâm của hạt rất mỏng, đơn cử như cả xã Tú Nang có 13 bản và 2 khu dân cư mà chỉ có 1 nhân viên kiểm lâm thì việc đi lại kiểm tra rừng mỗi bản đã hết 1 ngày rồi, do đó công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.  

Về những giải pháp để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, ông Nhé cho biết, xã đã thành lập tổ công tác quản lý và bảo vệ rừng, trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa xuống tận bản, phối hợp với già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền về những lợi ích của việc chăm sóc, bảo vệ rừng, để người dân hiểu và coi việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. 

Còn ông Đao thì cho rằng, thời gian qua việc xử phạt các đối tượng mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính nên không có tác dụng răn đe, mà việc xử phạt hành chính cũng rất khó thu được tiền vì đa số các hộ trồng rừng đều là dân nghèo. Trong thời gian tới, bằng những bằng chứng thu được từ những vụ việc phá rừng, hạt kiểm lâm sẽ tiến hành lập biên bản đề nghị xử phạt thích đáng một số đối tượng, để răn đe các đối tượng khác trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm bảo vệ rừng.  

Theo ông Hà Như Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, qua báo cáo huyện đã nắm được việc đốt, phá rừng làm nương rẫy xảy ra trên địa bàn và huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên nắm cơ sở kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, không để tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.


  Công Luật
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN