Thử hỏi, trong chúng ta, mỗi ngày, có ai không sử dụng đến giấy vệ sinh, giấy ăn? Con số trả lời “không” chắc là rất ít. Vậy mà không phải ai cũng biết rằng, những thứ giấy vệ sinh kia mất vệ sinh như thế nào khi sản phẩm bẩn-nhái-giả vẫn được bán và sử dụng tràn ngập thị trường.
Rùng mình với giấy ăn bẩn
Ngay ở tên gọi “giấy vệ sinh” cũng đã khác với “giấy ăn”. Giấy ăn trước khi thành phẩm được sử dụng nguyên liệu lấy từ nguồn các loại cỏ, trúc, gỗ…; giấy vệ sinh khác hoàn toàn khi chủ yếu được làm từ nguồn giấy phế phẩm như sách báo cũ, giấy photocopy, giấy in... Theo đúng quy trình, giấy phế phẩm phải được xử lý theo các khâu tách rác, tách tạp chất, khử mực, khử hóa chất, tẩy, phân tán sợi, xử lý nhiệt, rửa nhiều cấp, tẩy trắng; nhưng hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất lẻ, thủ công do quy mô nhỏ, tài chính hạn hẹp nên không có đủ máy móc đã bớt xén nhiều khâu, công đoạn; đặc biệt để tiết kiệm chi phí sẵn sàng bỏ bớt các bước tẩy mực làm sạch, hoặc dùng các hóa chất độc hại để tẩy sạch làm trắng. Những sản phẩm giấy tiêu dùng kém chất lượng, giấy giả bán với giá rẻ vẫn đang tràn lan ngoài thị trường gây nguy hiểm với sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguyên do sự chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm này bắt nguồn từ nhiều phía, trong đó mặc nhiên là sự chấp nhận của người tiêu dùng bởi không mấy ai có thể phân biệt được đâu là sản phẩm kém chất lượng, sử dụng nó sẽ gây nguy cơ không tốt cho sức khỏe. Phía sau những sản phẩm khăn ăn, giấy vệ sinh trắng toát, sực mùi thơm hương liệu hóa chất là một câu chuyện có thật mà khi nghe kể lại không ít người sẽ rùng mình. Loại trừ số ít những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài còn chiếm số lượng lớn là được sản xuất ở trong nước. Từ sản phẩm bình dân, rẻ tiền đến sản phẩm chất lượng, đắt tiền hoàn toàn “made in… thủ công” đều qua “công nghệ” để “biến hóa” được đúc kết rằng “Giấy không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Đơn giản chỉ chuyển từ giấy phế liệu, rác thải… thành giấy ăn, giấy vệ sinh mà thôi”. Tuy truyền miệng nhưng đó là sự thật được phản ánh khá đầy đủ quy trình làm giấy một cách ô hợp, bẩn thỉu của rất nhiều các cơ sở sản xuất mặt hàng “đắt như tôm tươi, ai ai cũng cần” này.
Câu chuyện về “đại bản doanh… giấy lộn” xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một sự tích đã cũ, nhưng nay vẫn tồn tại sau nhiều năm hoạt động. Theo thống kê chưa đầy đủ, “đại bản doanh” này có khoảng gần 200 cơ sở sản xuất giấy, tính bình quân một xưởng lớn mỗi ngày cho thành phẩm từ 5 tấn giấy trở lên đủ chủng loại từ giấy ăn bán cân, giấy ăn cao cấp, giấy vệ sinh, điều đó tỉ lệ thuận với số lượng hóa chất sẽ được sử dụng chủ yếu là Flo, Javen, chất tẩy trắng và các loại hóa chất làm dai giấy đặc biệt… để chế giấy phế liệu. Ngoài ra, vì lợi nhuận nên có rất nhiều cơ sở còn sản xuất hàng giả, hàng nhái theo những mẫu mã, thương hiệu nổi tiếng được bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thành, nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Hóa học, ĐH Sư phạm phân tích: “Thực tế rất nhiều cơ sở sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh vì hai nguyên nhân tiết kiệm chi phí và không đủ công nghệ máy móc đã bỏ bớt rất nhiều khâu trong quy trình sản xuất. Bước đầu họ sẽ thu gom giấy rác phế liệu đem ngâm, quấy thành bột, rồi sử dụng các hóa chất như phẩm màu, nhựa thông, phèn chua và chất tẩy trắng để làm trắng giấy. Tất cả sẽ được đun, đổ ra khuôn, sấy khô và đóng gói thành phẩm giấy ăn”.
Tái sinh khăn lạnh
Cũng giống như giấy ăn, giấy vệ sinh, chiếc khăn lạnh thơm phức vẫn thường xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng cũng được “ra mắt” từ một quy trình siêu bẩn. Khác với giấy ăn, giấy vệ sinh sau khi dùng xong sẽ được vứt bỏ để tái chế, thì hầu hết khăn lạnh sau khi được con người sử dụng sẽ dùng để lau tất cả những thứ dơ bẩn cuối cùng sẽ được thu gom lại. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, không ít quán ăn, nhà hàng sẽ cho nhân viên đun nóng để làm sạch lớp mỡ bẩn từ thức ăn, sau đó tiếp tục ngâm với dung dịch được pha từ nước lã với Javen tẩy trắng giặt bằng nước rửa chén và ngâm với hương liệu tạo mùi để tái sử dụng. Một số quán ăn, nhà hàng khác sẽ gom tất các khăn ăn bẩn đã qua sử dụng lại rồi thuê các đại lý “tái sinh… khăn lạnh… bẩn”; quy trình cũng được bắt đầu từ khâu khử trùng bằng ngâm hóa chất tẩy trắng lẫn các hóa chất giúp khăn không bị thối, hôi, ẩm mốc khi để lâu, cuối cùng công đoạn tẩm hương liệu để tạo mùi hương.
Thực tế trong tất cả quy trình sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, các cơ sở sản xuất hiện nay đều “bị quên” mất công đoạn xử lý triệt khuẩn nên rất mất vệ sinh.
Bà Nguyễn Thu Trang, Trung tâm Y tế quận Đống Đa nhận định, việc sử dụng giấy ăn, giấy vệ sinh, khăn lạnh không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt dùng cho trẻ em rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực tế các loại giấy ăn, khăn lạnh kể trên là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển. Hiện nay các hóa chất công nghiệp được sử dụng để sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh rất dễ tìm mua nhưng khó kiểm soát về nguồn gốc.
Theo quy định các hóa chất này sử dụng quá liều lượng, nồng độ cho phép hầu hết đều gây kích ứng cho da, gây dị ứng... Dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khỏe, giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, có thể xâm nhập gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Nhiều chuyên gia đã từng phản ứng về việc sử dụng độc chất Formol - chất dạng hơi hòa tan trong nước nhằm chống lại các vi khuẩn xâm nhập - để tẩy khăn bởi người sử dụng có thể bị ngộ độc khi lau miệng, lau mặt sẽ hít phải những sản phẩm được “tẩm ướp” nhiều Formol”. Các chuyên gia trong ngành giấy nhận định, cách làm giấy hiện nay khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, vi khuẩn, trong đó có các hóa chất gây hại. Khi sản xuất, các chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clo hóa, tạo ra chất policlobiphenyl rất độc hại với sức khỏe của con người.
Trên thị trường tiêu dùng hiện nay có đến hàng trăm nhãn hiệu giấy ăn, khăn ăn, giấy vệ sinh nhưng chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh đối với sức khỏe con người của những sản phẩm này thì chưa được kiểm soát một cách đầy đủ và triệt để. Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên những cơ sơ sản xuất giấy vệ sinh, giấy ăn, khăn lạnh để sớm ngăn chặn những ổ vi khuẩn, mầm bệnh “lưu động” trên thị trường.
Theo aninhthudo