Ra trận lòng không nao núng

Trong chiến dịch chấn động địa cầu, Điện Biên Phủ, khi mới bước qua tuổi hai mươi, nhà văn Hồ Phương (ảnh) đã là bí thư chi bộ, chính trị viên Đại đội 241 thuộc Tiểu đoàn phòng không - không quân, Đại đoàn 308. Cùng đồng đội tham gia chiến dịch lớn, nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương đã có mặt ở thời khắc quan trọng của lịch sử.

 

 


Từ bộ binh chuyển sang phòng không


Nguyễn Thế Xương (tên thật của nhà văn Hồ Phương) từ khi 16 tuổi, đã là tự vệ thành, có mặt ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến trong Trung đoàn Thủ đô. Ông cũng có mặt từ những ngày đầu thành lập Tiểu đoàn phòng không - không quân, Đại đoàn 308. Từ chính trị viên của bộ binh, ông nhận nhiệm vụ mới là chính trị viên Đại đội súng máy phòng không 12 ly 8.

 

Nhà văn Hồ Phương và các con (ảnh do gia đình cung cấp, chụp năm 1966).

 


Từ bộ binh chuyển sang, mới chỉ biết súng 12 ly 7 chủ yếu bắn bộ binh, chưa biết gì về súng máy phòng không chuyên bắn máy bay, nhưng những băn khoăn ban đầu của chàng trai trẻ Hồ Phương qua nhanh, thay vào đó là quyết tâm luyện tập để bước vào chiến dịch.


Chuẩn bị bước vào chiến dịch lớn, lần đầu tiên quân đội được trang bị vũ khí hiện đại đã tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng cho bộ đội. Chỉ huy một đơn vị như thế, Hồ Phương cũng có những cảm giác ấy. Ông nói rằng, trước đó, không phải không có cảm giác “sợ” máy bay địch, nhưng cảm giác ấy đã đã được khỏa lấp bằng khí thế chiến đấu với trang bị vũ khí mới nhất, cũng từ đây thấy được sự trưởng thành hơn của quân đội, tạo phấn khởi cho cả bộ binh khi có phòng không yểm trợ.


Hồi hộp bước vào chiến dịch lớn


Trước chiến dịch khoảng hai tháng thì đơn vị của Hồ Phương bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ. Loại súng máy phòng không cồng kềnh, nặng nên không thể vác bộ mà được vận chuyển bằng ô tô. Đây cũng là lần đầu tiên Hồ Phương được ngồi ô tô, từ Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ. Dọc đường hành quân, từ điếu thuốc, chiếc kẹo bột cũng được bẻ làm đôi chia nhau. Sau những giây phút hành quân vất vả, những bài hát được cất lên động viên tinh thần bộ đội. Hồ Phương gọi những phút giây ấy là phút giây lãng mạn lạ lùng, sự lãng mạn mang vẻ đẹp của lòng tin. Vì thế mà chuẩn bị bước vào trận không thấy sợ hãi.


Ngày nghỉ, đêm đi, bộ binh đi đến đâu, phòng không đi đến đó, cách nhau khoảng vài trăm mét để có thể yểm trợ kịp thời, khoảng bốn đêm thì tới. Đại đoàn chủ lực 308 phụ trách bảo vệ mặt phía Đông cứ điểm, tiến công đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo. Đồi Độc Lập tập trung tiểu đoàn lính Âu Phi rất mạnh, nhiệm vụ của tiểu đoàn phòng không-không quân là bắn “dạt” máy bay địch để chúng không thể đánh vào khu vực đóng quân của ta, bảo vệ bộ binh, bảo vệ vùng trời không bị hỏa lực địch uy hiếp.


Đêm 14/3/1954, giây phút Đại đoàn 308 nổ súng mở đầu đánh đồi Độc Lập, 24 tuổi, lần đầu tiên chứng kiến bộ đội ta bắn máy bay địch trực tiếp, Hồ Phương thấy hồi hộp lạ kỳ. Đạn pháo nổ liên tiếp, trời đất sáng lòa. Chỉ khoảng mười lăm phút sau đó, ông đã tận mắt nhìn thấy một chiếc máy bay của địch bị quân ta bắn rơi nơi gần nhất. Niềm vui như vỡ òa, bộ đội ta reo hò vui sướng.


Chiến thắng ngoài sức tưởng tượng


Rạng sáng ngày 15/3, đồi Độc Lập đã về tay ta. Tại Bản Kéo, địch cũng đã phải ra hàng. “Sau đó, đơn vị tiến sâu vào lòng chảo Mường Thanh. Khi vào đến đây, đơn vị phải ở tại chỗ, không thể rút ra bìa rừng được vì rất nguy hiểm. Riêng việc cấp dưỡng thì anh nuôi nấu ngoài rừng, tối mang vào. Việc đưa thương binh ra ngoài chữa trị và việc chôn cất tử sĩ cũng phải thực hiện vào ban đêm. Máy bay lúc nào cũng gầm rít trên đầu, trong đêm ánh đèn dù sáng lòa, đèn đuôi máy bay địch nhấp nháy như sao trời”, nhà văn Hồ Phương kể.


Các trận đánh càng ngày càng khốc liệt, cao điểm của chiến dịch là đánh vào 5 cao điểm dọc sông Nậm Rốm. Nơi trọng điểm này việc cung cấp đạn rược, cấp cứu thương binh rất khó khăn. Ban ngày tình hình chiến sự hai bên luôn căng thẳng. Hết chiến dịch, đơn vị hơn một trăm người thì hy sinh và bị thương mất một phần ba.


Nhà văn Hồ Phương kể, suốt gần hai tháng chiến dịch, anh em không tắm giặt, quần áo nhiều cũng chỉ hai bộ đổi nhau. Lúc nào có thể chợp mắt thì ngủ ngay trên hòm đạn phủ vải bạt nơi chiến hào. Nhưng sức đề kháng của con người thật ghê gớm. Ông hầu như không bị ốm đau gì. Tinh thần chiến đấu lên rất cao, càng đánh càng tin tưởng sẽ chắc thắng.


“Sau khi đánh sập đồi A 1, quân địch kéo ra từ 5 cao điểm qua sông Nậm Rốm để đầu hàng. Trong ngổn ngang sắt thép, khói mù mịt, những lính Tây cao to, tay giơ cao thấp, có người đi mà như muốn vấp ngã, những bộ mặt thảm hại, nhếch nhác. Thật không thể tưởng tượng được. Chưa khi nào thấy cảnh cả đoàn dài tù binh Pháp lũ lượt ra hàng như thế”, nhà văn Hồ Phương kể. “Khi bước vào chiến dịch, dù không nói ra, nhưng ai cũng tự nhủ không biết số phận ra sao, liệu có ngày trở về hay không. Chiến thắng này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi không thể nghĩ rằng có thể chiến thắng giòn giã đến thế”, ông nói tiếp.


Sau khi kết thúc chiến dịch, Đại đoàn chủ lực 308 về lại an toàn khu Thái Nguyên, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Trước khi rời Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị thắp hương cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu oanh liệt này. Chủ yếu các chiến sĩ hy sinh được chôn ngay giữa cánh đồng Mường Thanh, phần lớn các ngôi mộ không có bia.


Ngày 10/10/1954, nhà văn Hồ Phương có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về giữa rừng người, rừng cờ hoa của Thủ đô Hà Nội. Đứng trên xe ô tô tiến về từ phía Nam của cửa ngõ Thủ đô, qua Ga Hàng Cỏ vào nội thành, trong ông niềm tự hào, vui sướng dâng ngập lòng. Nhưng ông biết, phía trước còn nhiều việc cần đến sự góp sức của toàn dân, toàn quân. Và nhà văn Hồ Phương cũng đã sẵn sàng để nhận nhiệm vụ mới, chỉ có điều ông không hề nghĩ rằng, nhiệm vụ sau đó đã theo ông đến suốt cuộc đời, làm nên tên tuổi của nhà văn trong làng văn học cho đến tận bây giờ. Trong đó phải kể đến những tác phẩm như: Thư nhà (tập truyện ngắn, 1955), Lá cờ chuẩn đỏ thắm (1958), Cỏ non (Tập truyện ngắn, 1960),…

 

Bài và ảnh:Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN