Qui định linh hoạt tuổi hưu cho lao động nữ

Giảm tuổi hưu cho lao động nữ khối sản xuất kinh doanh, tăng tuổi hưu với lao động nữ có trình độ cao, chia lao động nữ thành hai nhóm-hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh- để quy định tuổi hưu cho nữ giới… là những ý kiến đang được quan tâm hiện nay, khi Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến.

Phụ nữ khối sản xuất kinh doanh muốn hưu sớm

Quy định tuổi hưu của lao động nữ, từ trước đến nay luôn là nữ nghỉ sớm hơn nam 5 năm (nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi). Tuy nhiên, theo TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hạn chế của các quy định hiện hành là không có sự phân biệt rõ ràng giữa lao động nữ làm việc tại khu vực sản xuất kinh doanh và lao động nữ khối hành chính sự nghiệp, giữa khu vực hành chính và đơn vị sự nghiệp; trong khu vực sản xuất kinh doanh cũng không có sự phân biệt rõ ràng giữa các ngành nghề khác nhau.

Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú nằm trong Cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN


Mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn đã tiến hành khảo sát với người lao động ở 12 tỉnh thành phố trên 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến về tuổi hưu đối với lao động nữ, trên cơ sở đó đề xuất ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Kết quả khảo sát của Viện cho thấy: Đa số ý kiến lao động nữ ở khối lao động khu vực sản xuất kinh doanh muốn về nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi hưu quy định hiện nay. Với câu hỏi “Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở ngành nghề anh (chị) đang làm bao nhiêu th́ì phù hợp”, kết quả cho thấy 24% số người được hỏi mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 45; phần lớn người được hỏi (42,6%) muốn về hưu ở tuổi 50; và có gần 30% muốn về hưu ở tuổi 55. Theo bà Hàn Mai Hương, Phó Ban Nữ công Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 80% lao động ngành chế biến thủy sản là nữ, làm việc trong điều kiện vất vả khi phải đứng 12 tiếng/ngày, môi trường ẩm ướt, lạnh, dẫn đến bệnh viêm khớp, phù nề chân tay... nên chị em muốn nghỉ hưu ở tuổi 45.

Đa số (73,2%) lao động trả lời khảo sát cho rằng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ khu vực sản xuất kinh doanh nên là 50 tuổi; chỉ 24,7% số lao động cho rằng nên là 55 tuổi, và 2,1% đề nghị về hưu ở độ tuổi 60.

Trong khi đó, phần đông lao động nữ khu vực hành chính sự nghiệp vẫn muốn về hưu ở tuổi 55. Khảo sát cho thấy phần lớn người lao động khu vực hành chính sự nghiệp (47,3%) cho rằng quy định tuổi như hiện nay là phù hợp. Điều đáng chú ý là, có 54% ý kiến nhất trí 60 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.

Chia nhóm để qui định tuổi hưu

Hiện nay, ý kiến người lao động cũng như các nhà nghiên cứu đều thống nhất chia nhóm để quy định tuổi hưu cho lao động nữ. Đa số ý kiến người lao động được trả lời khảo sát của Viện Công nhân- Công đoàn (64% trong tổng số 2.400 phiếu điều tra thu về) cho rằng nên quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ theo hai khu vực: Hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh. “Việc phân chia nhóm lao động khi quy định tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ chính là để đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho người lao động”, TS Đặng Quang Điều nói. Còn theo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tại một hội thảo tổ chức tháng 7/2011 do Trung ương Hội tổ chức góp ý kiến cho Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, đa số các ý kiến đều nhất trí tách các đối tượng là người lao động và cán bộ, công chức, viên chức khi quy định tuổi hưu để có quy định hợp lý. Hội cũng đề nghị cần quy định tuổi hưu linh hoạt, trao quyền quyết định tuổi hưu thực tế cho phụ nữ, không bắt buộc phải thực hiện chung một độ tuổi mang tính cố định, bởi quy định độ tuổi hưu có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia.

Kết quả khảo sát chỉ là mong muốn và nguyện vọng chủ quan từ phía người lao động. Nếu xét trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau thì việc quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cần phải được cân nhắc và được tính toán toàn diện và khoa học, liên quan tới vấn đề bình đẳng giới, mức độ phát triển kinh tế xã hội, vấn đề cung và cầu trên thị trường lao động, tuổi thọ bình quân của phụ nữ, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội và đặc điểm từng loại công việc mà người lao động nữ đang làm.

Từ kết quả điều tra, khảo sát, Viện công nhân- Công đoàn đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Ở khối sản xuất kinh doanh, nên quy định tuổi hưu thành 3 nhóm. Thứ nhất, tuổi hưu là 55 như đối với lao động nữ làm việc trong môi trường và điều kiện làm việc bình thường. Thứ hai, tuổi hưu từ 50 - 55 tuổi cho lao động nữ có đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ, TB&XH và Bộ Y tế ban hành). Cuối cùng, tuổi hưu 47 - 50 tuổi đối với lao động nữ có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại do Bộ LĐ, TB&XH và Bộ Y tế ban hành). Cá biệt, ở khu vực này, nên xem xét xây dựng chính sách trình Chính phủ quy định cụ thể về việc giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 45 tuổi với lao động nữ thuộc hai ngành chế biến cao su và chế biến thủy, hải sản.

Còn tuổi hưu cho lao động nữ ở khối hành chính sự nghiệp, theo đề xuất của Viện Công nhân - Công đoàn, nên nâng lên mức 58 tuổi. Việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ khu vực hành chính, sự nghiệp lên 58 tuổi, (trừ một số ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc thù) theo phân tích từ nhóm nghiên cứu, sẽ có những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế xã hội như: Sử dụng được tối đa nguồn nhân lực có chất lượng ở độ tuổi có nhiều kinh nghiệm để phục vụ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. “Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ khu vực hành chính, sự nghiệp cũng là góp phần quan trọng vào việc làm giảm đáng kể khoản chi quỹ hưu trí của bảo hiểm xã hội và tăng nguồn thu cho quỹ này. Việc tăng tuổi hưu cho lao động nữ khu vực này cũng là góp phần thực hiện một bước về b́ình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ”, TS Đặng Quang Điều nhấn mạnh.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN