Hà Nội cần chấm dứt tình trạng trụ sở bỏ hoang, đặc biệt là sau hợp nhất

Theo ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đối với tất cả trụ sở sau khi sáp nhập, Hà Nội phải có phương án sử dụng hợp lý, vì nếu bỏ hoang sẽ gây lãng phí lớn. Nếu không làm trường học, thành phố nên có định hướng các trụ sở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm y tế, vườn hoa..

Năm 2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, sau 17 năm mở rộng diện mạo, Thủ đô đã thay đổi nhiều.

Là đại biểu Quốc hội khóa XII, từng chứng kiến Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (ngày 1/8/2008), ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của Thủ đô sau 17 năm sáp nhập với Hà Tây và một số xã của tỉnh Hòa Bình, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc?

Sau 17 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, thực sự khó đánh giá. Nhờ sự mở rộng, Thủ đô có sự phát triển như ngày nay, nhưng rõ ràng ai cũng nhận thấy tỉnh Hà Tây, một số xã của tỉnh Hòa Bình, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc khi sáp nhập với Hà Nội, diện mạo đã thay đổi nhiều. Do được hưởng những chế độ, chính sách đặc thù của Thủ đô Hà Nội, nên vùng mở rộng có nguồn lực đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, nhà văn hóa... đời sống nhân dân vùng Hà Nội mở rộng phát triển tích cực.

Việc mở rộng địa giới hành chính giúp Hà Nội thêm không gian phát triển. Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển theo hướng “đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh” (Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên). Gần đây nữa là định hướng phát triển hai thành phố ở phía Bắc và phía Tây Hà Nội. Mục tiêu của định hướng này là tạo thêm dư địa phát triển cho Hà Nội, giảm mật độ dân cư trong nội thành.

Chú thích ảnh
Ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Quang Phong

Bên cạnh những thành tựu, ông có băn khoăn điều gì trong 17 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội?

Hà Nội chưa tận dụng được nguồn lực của một Thủ đô thuộc dạng lớn nhất thế giới. Suốt 17 năm qua, Hà Nội vẫn phát triển co cụm trong nội thành. Các đô thị vệ tinh dù đã có quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Điều đó khiến cho mật độ dân cư trong các quận hiện nay quá cao, dẫn tới quá tải về giao thông, ô nhiễm không khí, nguồn nước...

Do vậy, thời gian tới TP Hà Nội phải dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn nữa cho các huyện. Chỉ có thực hiện nghiêm quy hoạch, vùng nào của Thủ đô cũng có cơ hội phát triển. Như vậy mới giải quyết được những thách thức về giao thông, đô thị Hà Nội đang gặp phải.

Khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, nhiều người băn khoăn là văn hóa xứ Đoài dần bị mai một, ông nhận định như thế nào về điều này?

Đa dạng văn hóa là yếu tố cần được quan tâm, dễ mất đi trong xu thế phát triển. Song đối với nét văn hoá độc đáo của xứ Đoài, vẫn được người dân nâng niu lưu giữ. Xứ Đoài hay như kinh Bắc, thực chất là những vùng định vị chức năng của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, đều phục vụ cho đời sống nhân dân trong kinh đô trước đây.

Đơn cử, dọc Đường 19 Gia Lai - Bình Định hiện nay thật sự ấn tượng. Nếu 2 tỉnh hợp nhất như định hướng của Trung ương sẽ hoàn thiện hơn nhiều, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, phải khoanh lại không gian văn hóa Tây Nguyên riêng, không gian duyên hải miền Trung riêng. Tuy nhiên, việc hợp nhất như định hướng hiện nay sẽ tạo điều kiện cho mỗi tỉnh đều có rừng, biển, các tỉnh có thêm không gian phát triển bền vững.

Còn những yếu tố dư luận đang quan tâm về vùng văn hóa, không nhất thiết phải gói gọn trong một đơn vị hành chính. Bởi nếu yếu tố văn hóa nằm trong một tỉnh, đôi khi địa bàn quá lớn, không phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Chú thích ảnh
Hà Nội vừ đầu tư 89 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ).

Hà Nội vừa công bố tên gọi dự kiến các phường, xã sau khi hợp nhất, trong đó giữ được tên có yếu tố lịch sử, văn hóa. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Hà Nội có nhiều địa danh mang yếu tố lịch sử sâu đậm. Do vậy, việc đặt tên phường, xã sau hợp nhất như định hướng của TP Hà Nội là phương án hợp lý. Địa phương nào liên quan đến không gian lịch sử, văn hóa, nên lấy tên đó đặt cho phường, xã. Ví dụ, Long Biên nên có phường Bồ Đề; Hoàn Kiếm có phường Cửa Nam... Bên cạnh đó, trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, có thể số hóa tên các phường để dễ quản lý, nhưng không nên tuyệt đối.

Chú thích ảnh
Trụ sở quận Đống Đa (TP Hà Nội).

17 năm sau sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay vẫn còn nhiều trụ sở nhà nước bỏ hoang, xuống cấp. Việc bỏ cấp huyện, hợp nhất xã sắp tới có thể dôi dư nhiều trụ sở. Theo ông, làm cách nào để không lãng phí trụ sở?

Qua khảo sát trụ sở một số quận, huyện của TP Hà Nội, phải nói những năm gần đây, trụ sở quận, huyện của thành phố khang trang, đắc địa, như những quần thể gồm: Khu hành chính, điểm tập thể thao, hội trường, bãi đỗ xe... Tuy nhiên, sau khi hợp nhất, các trụ sở dôi dư nên làm trường học điểm của khu vực.

Tất cả trụ sở sau khi sáp nhập, chính quyền địa phương phải có phương án sử dụng hợp lý, vì nếu bỏ hoang sẽ gây lãng phí lớn. Nếu không làm trường học, thành phố nên có định hướng các trụ sở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm y tế, vườn hoa... tạo không gian công cộng cho nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc
Cử tri ủng hộ bố trí trụ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy cho giáo dục, y tế
Cử tri ủng hộ bố trí trụ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy cho giáo dục, y tế

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, cử tri ủng hộ cao với chủ trương ưu tiên bố trí cơ sở vật chất dôi ra sau sắp xếp tổ chức bộ máy cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN