Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở lái xe trang bị bình chữa cháy tại đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo đó, VCCI đã đưa ra danh sách 30 quy định tốt nhất và 30 quy định tồi nhất. Trong số 30 quy định tồi nhất thì quy định Yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô. Ô tô 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi ô tô, máy kéo phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy tại khoản 1 điều 4 Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo báo cáo của VCCI, quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách do thực tế việc để bình cứu hỏa trên xe ô tô – không có thiết kế cho lắp đặt dạng này có thể gây nhiều nguy cơ về cháy nổ, bình có thể phát nổ khi nhiệt độ cao và hoàn toàn có thể xảy ra khi xe lưu thông trên đường vào mùa hè, nhiệt độ lên tới 40 độ C hoặc không có khả năng ứng cứu đối với các trường hợp cháy phương tiện.
Chi phí tuân thủ của quy định này khá cao, ước tính với 3.5 triệu ô tô, mỗi ô tô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng 5 năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều trong khi hiệu quả của quy định này còn nhiều điều đáng bàn.
Cùng với đó, Thông tư 20/2011-TT-BCT của Bộ Công Thương về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Quy định này sẽ khiến bộ phận doanh nghiệp (DN) không được quyền kinh doanh nhập khẩu ô tô nữa.
Yêu cầu phải có giấy ủy quyền của chính hãng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền, những thương nhân khác không có giấy tờ này muốn tiếp tục kinh doanh ô tô nhập khẩu phải mua qua một khâu trung gian là các thương nhân này. Đây là một mặt làm méo cạnh tranh giữa 2 nhóm thương nhân, mặt khác cũng khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này.
Anh Nguyễn Tuấn, giám đốc công ty TNHH Thuyên An Phúc cho biết: “Thông tư 20 khiến cho DN có tiền, thời gian quy mô cũng không làm đc, chỉ có vài DN được lợi còn khiến nhiều DN nhỏ và vừa trong nước vỡ nợ và phá sản.Thông tư này được cho là thông tư tồi nhất trong số 30 quy định tồi nhất”.
Hay quy định kém tính khả thi như về quy định quản lý mạng xã hội và trò chơi điện tử tại Nghị định 72/2013-NĐ-CP và Thông tư 09/2014/TT-BTTTT cỉa Bộ Thông tin và truyền thông. Quy định này đưa ra rất nhiều điều kiện để được thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử. Tuy nhiên, các quy định này chỉ có thể áp dụng cho các DN tại Việt Nam mà không khả thi khi áp dụng cho các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội hay trò chơi điện tử qua biên giới vào Việt Nam. Trên thực tế, các mạng xã hội trên thế giới như Facebook, Instragram... hay các trò chơi điện tử như Clash of Clans... và rất nhiều trò chơi khác vẫn có thể dễ dàng tiếp cận người dùng tại Việt Nam.
Kết quả là các DN tại Việt Nam rơi vào tình thế bất lợi hơn rất nhiều so với DN từ quốc gia khác. Đành rằng, việc kiểm soát thông tin trên mạng internet là cần thiết, nhưng điều này nên được thưc hiện thông qua các công cụ về kỹ thuật hoặc dựa trên phản hồi của người dùng chứ không nên sử dụng các công cụ về giấy phép và hành chính bởi các công cụ này chỉ có tác dung trong lãnh thổ Việt Nam, chứ không thể tác động trên toàn bộ không gian mạng internet.
Quy định “Giấy vàng – Giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2014 cũng được đánh giá là thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014.
Một trong số những quy định tồi khác là Thông tư 15/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định "Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý”.
Theo VCCI, quy định này có mục tiêu không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Quy định này cũng làm giảm cơ hội lựa chọn của doanh nghiệp, tốn kém chi phí mà lại không tạo được lợi ích rõ ràng nào cho xã hội và chi phí tuân thủ cũng rất cao.
Quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ là một trong số quy định tồi tệ. Quy định này có dấu hiệu xung đột lợi ích do năng lực của các cơ sở đào tạo cao đẳng ngành in không đáp ứng được nhu cầu nên hầu hết lãnh đạo phải xin giấy chứng nhận nghiệp vụ. Để có giấy chứng nhận này, lãnh đạo doanh nghiệp phải tham gia một khoá học 5 triệu đồng, cơ quan quản lý vừa quản lý hành chính lại đồng thời cấp chứng nhận và thu phí sẽ tạo nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực.