“Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” là một trong những khẩu hiệu của những người lính từng làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn lịch sử. Trở về thời bình, vẫn với tinh thần “thép” ấy, những chiến sỹ bộ đội Trường Sơn năm xưa tiếp tục cống hiến, phát triển kinh tế làm giàu cho đất nước.
Ít ai biết được vợ chồng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Dũng (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chuyên phân phối các sản phẩm tiêu dùng hàng đầu của tỉnh này lại là một cặp vợ chồng cựu chiến binh: Ông Nguyễn Hữu Bản và bà Phạm Thị Mỵ - Những người đã từng vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt năm nào.
Tháng 4/1970, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Bản (sinh năm 1952) lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 13, Sư đoàn 571, Đoàn 559 (hay còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn). Đây là trung đoàn xe vận tải đầu tiên của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông Bản kể, người lính lái xe nào của Trung đoàn 13 anh hùng cũng thuộc làu khẩu hiệu: “Mở đường mà đi, Gạt bom mà tiến, Tăng cung vượt chuyến, Thẳng tiến tiền phương...”. Rừng Trường Sơn đại ngàn được ví như một túi bom ngày đêm ác liệt rải trước từng mũi xe... Tuy vậy, những người lính vẫn kiên quyết bám trụ bảo đảm thông đường, thông xe chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường.
Những địa danh như Cha Lo, Long Đại, Khe Ve… đều in dấu những người lính lái xe Trường Sơn. Sau khi xuất ngũ, ông chuyển về công tác tại Công ty vật tư nông nghiệp Thái Bình và xây dựng gia đình với bà Phạm Thị Mỵ, một nữ bộ đội thuộc sư đoàn 473 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Năm 1994, ông về nghỉ chế độ và bắt đầu nhen nhóm ý định làm phân phối sản phẩm tiêu dùng. Năm 1998, Công ty TNHH Tuấn Dũng được thành lập.
Vượt qua những khó khăn của thương trường, đến nay công ty của gia đình ông Bản phân phối sản phẩm cho nhiều nhãn hàng, nhiều nhà máy lớn, cung cấp hàng hóa đến các đại lý trong toàn tỉnh, thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Công ty đã tạo việc làm cho hơn 60 lao động, trong đó có nhiều người là con em cựu chiến binh với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cũng như ông Bản, ông Đào Trọng Tài (phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) cựu chiến binh thuộc Phòng hậu cần, Sư đoàn 470, Binh đoàn Trường Sơn năm xưa lại làm giàu nhờ kinh doanh dược phẩm.
Năm 2001, ông Tài vận động thêm một số đồng đội cùng góp vốn phát triển hiệu thuốc nhỏ của gia đình thành Công ty cổ phần Sao Mai, chuyên kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế. Với tinh thần quật cường của người lính và sự nhanh nhạy, thông minh trên thương trường đã giúp ông Tài thành công. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay Công ty đã phát triển mạng lưới phân phối thuốc, vật tư y tế rộng khắp Thái Bình, với quy mô 5 nhà thuốc, 300 đại lý và cung ứng sản phẩm y tế khác ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Doanh thu của Công ty hàng năm tăng từ 20% đến 30%. Cụ thể, năm 2010 đạt 84 tỷ đồng, năm 2012 đạt 164 tỷ đồng và đến năm 2013 đã tăng đến 200 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, Công ty cổ phần Sao Mai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận và trao giải Bạc chất lượng quốc gia lọt vào top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Theo ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình, cho biết: Trong 16 năm (1959 - 1975) đã có 11.000 bộ đội, 7.000 thanh niên xung phong và trên 3.000 dân công là con em quê hương Thái Bình tham gia Binh đoàn Trường Sơn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng trong mặt trận kinh tế xây dựng đất nước” do Trung ương Hội phát động năm 2009, bộ đội Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia sản xuất.
Đến nay đã có trên 200 tấm gương kinh doanh giỏi tại nhiều lĩnh vực, với thu nhập bình quân từ 50 đến 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, những cựu chiến binh Trường Sơn còn tích cực tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là huyện Vũ Thư với 150 chiến sỹ Trường Sơn đã tự nguyện hiến 600 mét vuông đất, trên 400 mét tường dậu và quyên góp trên 50 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn.
Thu Hoài