Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4, bệnh tay chân miệng (TCM) tại TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu tăng trở lại, trong đó có nhiều ca nặng và đã xuất hiện ổ dịch ở một trường học.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, đỉnh dịch TCM thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 11 hàng năm. Thực tế, số ca mắc TCM trong tuần cuối tháng 3 là 156 ca, tăng 32 ca so với tuần trước đó. Đặc biệt, tại trường mầm non Hoa Lan (xã Tân Phú, huyện Bình Chánh) đã xuất hiện một ổ dịch TCM với 10 bé mắc bệnh, trong đó có một ca ở độ 3.
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng và nhiều ca biến chứng nặng. |
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố, số trẻ đến khám và điều trị do mắc TCM khá đông, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Tại Bệnh viện Nhiệt đới, trong tháng 3 có hơn 1.100 bệnh nhi đến điều trị TCM, trong đó có gần 200 trẻ điều trị nội trú vì bệnh nặng. Tuy nhiên, số trẻ nhập viện và phải nằm ở phòng cấp cứu tăng nhanh trong hai tuần cuối tháng 3. Bác sỹ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc nhi, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng bệnh nhi từ độ nhẹ chuyển sang độ nặng diễn ra rất nhanh. Nếu bệnh nhi không nhập viện kịp thời thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những ca nặng đang được điều trị tại bệnh viện đều được chuyển đến từ tỉnh Long An và huyện Bình Chánh.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện mỗi ngày cũng điều trị nội trú cho hàng chục bệnh nhi mắc TCM. Hiện tại khoa Nhiễm của bệnh viện có gần 70 ca nằm điều trị, trong đó có 5 ca ở độ 3. “Vào từ những ngày cuối tháng 3 đến nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc TCM, trong đó có rất nhiều ca nặng. Các bệnh nhi thường có biểu hiện như cao huyết áp, mạch nhanh, khó thở, bóng nước dưới lòng bàn tay và chân...” - bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
Trong khi đó, bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho biết, thời điểm này, bệnh TCM đang có chiều hướng lây lan rộng. Trung bình mỗi ngày có 20 bệnh nhi phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong đó có nhiều ca bị bệnh nặng. Hiện trong khoa có khoảng 50 trẻ mắc TCM đang được điều trị.
Bác sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch TCM lan rộng như: Tăng cường giám sát bệnh TCM trong nhà trường, các nhóm trẻ gia đình, khu nhà trọ... Bên cạnh đó, trung tâm theo dõi số học sinh nghỉ do bệnh và tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh TCM cho giáo viên và phụ huynh”. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, phòng giáo dục, trường học... khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh TCM trong trường học.
Để phòng tránh và hạn chế trẻ mắc TCM, các bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động phòng chống cho con em mình bằng các biện pháp vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại khu vực bé vui chơi, rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với bé. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như nóng sốt, đau họng, biếng ăn, khó ngủ, giật mình nhiều, nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay... thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Không chỉ có dịch bệnh TCM, vào thời điểm này, trẻ cũng rất dễ mắc các bệnh như: tiêu chảy, hô hấp, thủy đậu... Theo thống kê của ngành y tế, trong ba tháng đầu năm, toàn thành phố có 67 ca thủy đậu, 45 ca quai bị, 41 ca viêm não virút (trong đó có 1 ca tử vong) và 1.282 ca sốt xuất huyết (trong đó có 2 ca tử vong). UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức vệ sinh, phòng dịch cho người dân.
Bài và ảnh: Đan Phương