Mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã) vốn được coi như “người gác cổng”, triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp giảm tỷ lệ người dân mắc bệnh, đồng thời cũng là nơi phát hiện sớm, điều trị bệnh thông thường và kịp thời điều tiết, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên... Tuy nhiên, thực tế lại rất khác biệt.
Ngành y tế đang đồng thời phải đối phó với hai vấn đề nan giải, đó là cả bệnh nhân và cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở đều muốn được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương.
Khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Ảnh: nguyễn thủy - ttxvn |
Chia sẻ lý do vì sao chấp nhận bỏ thẻ bảo hiểm y tế tại một BV cấp quận ở Hà Nội, bỏ tiền túi đi khám tại BV Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Hiền, Vĩnh Tuy, Hà Nội, cho biết: “Rất nhiều lần, tôi và người thân ở trong cảnh “thập tử nhất sinh” vì các BS tuyến dưới chẩn đoán và điều trị nhầm”.
Bà Hiền kể: “Con gái tôi bị ho, gầy rộc cả người, khi đi khám thì bác sĩ tại Bệnh viện TN (Hà Nội) chỉ nói cháu bị viêm phế quản và cho mấy thứ thuốc đơn giản về uống. Nhưng thấy cháu ho và ngày càng mệt hơn, nên gia đình đưa cháu lên BV Lao phổi TƯ kiểm tra. Kết quả là cháu bị lao và phải nằm điều trị tại BV tuyến TƯ mấy tháng trời. Cũng chính bác sĩ BV TN kê cho tôi thuốc tẩy giun trong khi trên thực tế tôi bị đau ruột thừa. May là gia đình đưa tôi lên BV Việt Đức và mổ cấp cứu kịp thời, chứ chậm chút nữa là nguy tới tính mạng rồi”.
“Chưa hết đâu, mẹ tôi từng bị các bác sĩ Bệnh viện TN trả về vì nói “hết thuốc chữa”. Nhưng sau khi đưa bà lên điều trị tại BV Việt Đức thì mẹ tôi lại sống khỏe thêm được nhiều năm nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi có thẻ BHYT mà đành bỏ tiền túi ra để đi khám chữa bệnh ở tuyến TƯ”, bà Nguyễn Thanh Hà, em gái bà Hiền, bức xúc nói.
Chuyện BS tuyến dưới chẩn đoán nhầm hoặc điều trị bệnh kém hiệu quả không chỉ xảy ra với gia đình bà Hiền, bà Hà. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng xuất hiện nhiều thông tin kiểu như: Ung thư thì chữa viêm khớp, chẩn đoán tử vong nhưng bệnh nhân lại sống khỏe, suýt chết vì chấn thương sọ não nhưng BS “phán” bình thường… Vì vậy, người dân ngày càng mất lòng tin ở khả năng điều trị, trình độ chuyên môn của các BS tuyến y tế cơ sở và có xu hướng dồn lên khám chữa bệnh ở BV tuyến trên.
Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tới 80% bệnh nhân ngoại trú tại BV tuyến TƯ cho biết muốn sử dụng dịch vụ tuyến trên vì trình độ bác sĩ ở đây cao hơn. Đặc biệt, có tới 75% bệnh nhân đến thẳng các BV tuyến TƯ để khám chữa bệnh mà không khám tại tuyến tỉnh, huyện như quy định phân tuyến điều trị của ngành y. Tại BV Nhi TƯ có thời điểm tới 90% bệnh lý có thể điều trị được ở tuyến dưới. Hay tại BV Phụ sản TƯ, tỷ lệ đẻ thường chiếm đến 33%, còn tại BV Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 46%...
Điều đáng nói là tâm lý thiếu mặn mà với các BV tuyến cơ sở và “sính” điều trị tại các BV tuyến TƯ của người dân là có cơ sở. Nghiên cứu của chính ngành y tế cho thấy, kiến thức và kỹ năng của nhân lực y tế tuyến cơ sở hiện còn nhiều hạn chế. “Kiến thức của cán bộ y tế tuyến xã, huyện về chăm sóc sơ sinh chỉ đạt 60% so với chuẩn quốc gia. Chỉ có hơn 54% bác sĩ có kiến thức đúng về chẩn đoán và điều trị các mức độ mất nước do tiêu chảy. Tỷ lệ bác sĩ biết các dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ mang thai chỉ là 23,5%, con số này ở y sĩ là chưa đến 15%”, TS Trần Thị Mai Oanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, cho biết.
Bên cạnh đó, các trạm y tế (TYT) còn thiếu cả thuốc và trang thiết bị y tế. Trong số bệnh nhân được cấp phát thuốc tại TYT khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì có tới 68% phải mua thêm thuốc ngoài. Vậy nên, 83,3% người bệnh không sử dụng thẻ để khám chữa bệnh ban đầu tại TYT xã do hạn chế về trang thiết bị, thiếu thuốc hoặc hết thuốc. Cá biệt, tới 41,6% TYT trong diện khảo sát không có tủ thuốc cấp cứu…
“Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trung tâm y tế tuyến dự phòng tuyến huyện còn đang khó khăn hơn gấp bội. Cả nước có gần 700 huyện thì có đến 2/3 số huyện chưa có đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho công tác y tế dự phòng. Đến ngay chỗ ngồi còn không có thì làm sao có thể tuyển được người về công tác tại đơn vị đó được”, GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, lo ngại.
Phương Liên
Bài cuối: Sẽ tạo bước đột phá cho y tế cơ sở