Mức lương tối thiểu vùng 2024 sẽ được đề xuất tăng bao nhiêu?

Trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp vào đầu tháng 8/2023 để bàn, thương lượng điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức các đoàn khảo sát tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Qua các khảo sát của tổ chức công đoàn, hầu hết các ý kiến thu nhận được cho thấy người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng ngay từ đầu năm 2024.

Tính toán tới bối cảnh của thị trường lao động

Theo thông lệ, từ tháng 8 đến tháng 9, các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra phương án có điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024 hay không, để kịp cho lộ trình thực hiện ngay từ đầu năm sau. Vì vậy, câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng ở thời điểm này lại được “hâm nóng”.

Chú thích ảnh
Người lao động kiểm tra thông tin về các khoản thu nhập. Ảnh: TTXVN

Thừa nhận tình hình thực tế hiện nay có những khó khăn để tăng lương tối thiểu, song ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, với những yếu tố về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, mức sống tối thiểu của gia đình người lao động và người hưởng lương thì có thể đủ điều kiện để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024.

“Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, mức bao nhiêu, áp dụng vào thời điểm nào là cần tính toán, bởi thông thường các điều chỉnh hầu hết đều áp dụng từ ngày 1/1 hằng năm”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ.

Từng nhiều năm tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cũng là nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, hiện cần đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38 thực hiện từ ngày 1/7/2022 có tác động thế nào đến đời sống người lao động.

Theo ông Phạm Minh Huân, điều quan trọng nhất là tăng lương ở doanh nghiệp thì gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thị trường lao động giữa cung và cầu; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Cùng với đó, cũng cần tính đến bối cảnh thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 khi có hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, các doanh nghiệp cũng đang gặp thách thức lớn.

“Cần tính khía cạnh của thị trường, doanh nghiệp, quan điểm của Nhà nước để từ đó xem xét việc có tăng lương tối thiểu vùng hay không. Nếu tăng lương thì ở mức nào. Cố gắng thực hiện tăng lương từ đầu năm tài chính để doanh nghiệp còn chuẩn bị và đưa vào kế hoạch thực hiện”, ông Phạm Minh Huân nhận định.

Trong bối cảnh người lao động mất việc, giảm thu nhập do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, khiến đời sống càng thêm khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng, thời điểm áp dụng cần tính toán để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp…

Lương tăng nhưng vẫn chưa đủ sống

Khó khăn về việc làm, thu nhập, nên việc có mong muốn tăng lương tối thiểu theo các chuyên gia là nguyện vọng chính đáng của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp cũng có những lí lẽ riêng để chưa muốn điều chỉnh trong bối cảnh hiện nay.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, việc doanh nghiệp duy trì được mức hiện có đã là nỗ lực rất lớn, vì thế nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

“Doanh nghiệp khó khăn hơn nghĩa là đời sống người lao động cũng khó khăn thêm, doanh nghiệp sẽ phải điều tiết lại, thậm chí kể cả cắt giảm việc làm, cho lao động nghỉ luân phiên. Từ đó, vô hình chung chúng ta lại đẩy một bộ phận người lao động đang có việc làm trở thành không có việc. Khi không có việc đồng nghĩa thu nhập giảm khiến đời sống giảm, đó là điều không ai mong muốn.Trước mắt là duy trì được hoạt động cho doanh nghiệp tức là người lao động sẽ có việc làm, khi có việc làm thì dù thu nhập ở mức tối thiểu vẫn còn hơn là không có gì”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua những lần khảo sát gần đây, hầu hết ý kiến nhận được là người lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ rất khó khăn.

Trước đó, quả khảo sát hồi tháng 10/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn, có trên 58% công nhân lao động không có tích luỹ; chỉ trên 11% có tích luỹ đủ chi tiêu dưới 1 tháng; 16% có tích luỹ đủ chi tiêu 1 – 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích luỹ đủ chi tiêu trên 3 tháng.

Thực tế này khiến người lao động mong muốn được Nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu và đi làm phải đủ sống, có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm. Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng lương, song phía đại diện người lao động bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

“Do đó, công đoàn sẽ đề xuất mức tăng phù hợp. Về thời điểm áp dụng, qua khảo sát thì người lao động vẫn mong muốn sẽ được tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/1/2024”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố được mức sống tối thiểu của người lao động. Do vậy, các thành viên kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải tiếp tục tính toán mức sống tối thiểu dựa trên phương pháp cũ.

Để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024, Bộ LĐTBXXH cũng đã đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Từ đó, địa phương đưa ra đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.

Thực tế, ngoại trừ hai năm “lỡ hẹn” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (năm 2020, 2021 lương tối thiểu vùng giữ nguyên mức của năm 2019), thì lương tối thiểu đều được điều chỉnh hằng năm, tiền lương của người lao động dần được cải thiện.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).

Theo chương trình làm việc hằng năm của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong quý 1, Hội đồng sẽ xây dựng kế hoạch để quý 2 thực hiện khảo sát, trên cơ sở đó đến quý 3 chuẩn bị phương án và quý 4 họp tham mưu để trình Chính phủ mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

XM/Báo Tin tức
Phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28/7, tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh người có uy tín điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN