Để hiểu rõ hơn việc cần thiết trong việc sớm triển khai Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã nghèo, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Giàng A Tông (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):
Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự án?
Huyện Mù Cang Chải là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, trong những năm qua Mù Cang Chải đã được Đảng và Nhà nước đầu tư rất lớn, kể cả về con người. Việc đưa trí thức trẻ về cơ sở làm cán bộ xã, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch xã là chủ trướng đúng đắn và mong muốn của lãnh đạo huyện và xã cũng đang rất chờ đợi.
Ở Mù Cang Chải trình độ học vấn của người dân còn thấp, trên 50% lãnh đạo xã, gồm các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch mới đạt trình độ trung cấp, cán bộ chủ chốt chưa có đồng chí nào qua đại học. Được tiếp nhận cán bộ trẻ, có trình độ về xã làm việc thì còn gì bằng! Bởi vì trong quá trình thực hiện giải quyết công việc, những người làm lâu năm tuy có hiểu biết phong tục tập quán tốt, nhưng để xử lý một văn bản của cấp trên thì họ lại lúng túng nên chúng tôi rất cần những người có trình độ. Những cán bộ xã trước đây họ chỉ làm theo kinh nghiệm và những việc đơn giản, còn với những việc làm đòi hỏi sự suy nghĩ sáng tạo như quản lý kinh tế, xây dựng cơ bản… nếu không có trình độ nhất định thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ví dụ như khi phân cấp quản lý trong Chương trình 135/CP cũng vậy. Chúng tôi đã có chủ trương là nếu vốn đầu tư từ 600 triệu đồng trở xuống thì xã sẽ làm chủ đầu tư. Yêu cầu của tỉnh và huyện mong muốn sẽ phân cấp mạnh cho xã làm chủ đầu tư, nhưng trong quá trình triển khai dự án này xã lại gặp lúng túng. Khi xã không làm được lại nhờ huyện làm giúp, làm thay ở từng khâu, từng việc, nhất là trong việc xây dựng cơ bản.
Ông có kỳ vọng gì ở đội ngũ trí thức trẻ này?Chúng tôi rất mong đợi đội ngũ này lên tăng cường cho cơ sở. Hy vọng rằng khi thực hiện đề án này, đội ngũ trí thức trẻ sẽ góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước khắc phục được những hạn chế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Sau khi đội ngũ này về cơ sở sẽ giúp cho cán bộ xã, các ngành trong xã từng bước tiếp cận được phương pháp làm việc hiện đại và cập nhật được yêu cầu trong thời kỳ đổi mới.
Chúng tôi rất kỳ vọng những trí thức trẻ được tăng cường về cơ sở sẽ phát huy tính nhiệt huyết, trình độ của mình để địa phương có cơ hội phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Cũng có người e ngại, nếu địa phương có tính cục bộ, sẽ là rào cản đối với Phó Chủ tịch xã mới. Ông có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?Những ai lần đầu đến với những nơi mới lạ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải, dĩ nhiên sẽ dễ có suy nghĩ này. Theo tôi người ở vùng thuận lợi về mặt kinh tế, chính trị xã hội đến vùng không có điện, không có nước, đến cái ăn, cái mặc cũng thiếu, thậm chí có tiền mà không có chỗ tiêu được thì ắt sẽ băn khoăn. Tính cục bộ không phải ở vùng nào cũng có, với vùng đặc biệt khó khăn cũng vậy. Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mù Cang Chải là làm sao tạo mọi điều kiện tốt nhất để các trí thức trẻ có điều kiện cống hiến. Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị các xã có cán bộ đến làm việc cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ làm việc, xây dựng chính quyền xã vững mạnh, kinh tế phát triển. Đây không phải là người đến chiếm chức, giữ quyền của cán bộ xã mà là đến giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Viết Tôn