Kinh doanh trong bảo tàng, di tích - Cần một cái nhìn tổng thể -Bài cuối: Để khai thác di tích một cách hiệu quả - Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Trong một cuộc hội nghị quốc tế về marketing trong lĩnh vực văn hóa, một chuyên gia nước ngoài đã đưa ra nhận xét: "Marketing di sản văn hóa Việt Nam chưa được áp dụng thật sự khoa học, bài bản nên chưa phát huy được hiệu quả". Vì vậy, trước khi làm tốt công tác marketing, thì các di tích, bảo tàng cần phải tạo ra những sản phẩm vừa đa dạng vừa có chất lượng cao.

Để khai thác di tích một cách hiệu quả cần sự vào cuộc của cả xã hội.


Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong di tích, bảo tàng là cần thiết, nhưng dứt khoát phải đặt ở tầm cao và tính chuyên nghiệp cao. Ông lấy ví dụ, ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, những cung điện cổ kính nguy nga, tráng lệ nổi tiếng người ta vẫn dành một số phòng cho thuê để tổ chức các buổi tiếp tân lịch sự, sang trọng, phòng được thuê với giá cao, họ còn tổ chức nghe hòa nhạc, uống cà phê, tổ chức những buổi tối gặp mặt lịch sự, nhưng sự phục vụ cũng phải chuyên nghiệp, sau đó tất cả lại được dọn sạch sẽ.

Những buổi tiếp tân trong Bảo tàng Văn minh châu Á ở Xinhgapo vừa sang trọng vừa đắt tiền. Điều này được chấp nhận vì họ tổ chức rất lịch sự, chuyên nghiệp không ảnh hưởng tới các hiện vật của di tích và khách tham quan. Cách họ làm khác hoàn toàn với cách nhiều bảo tàng, di tích cho thuê đám cưới, nhạc xập xình sẽ rất nhộm nhoạm, mùi thức ăn tỏa khắp không gian trưng bày, ảnh hưởng tới khách đang tham quan.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT & DL) nhận định, việc khai thác giá trị kinh tế của di tích cần được đặt ra một cách nghiêm túc khi giải quyết bài toán quản lý di tích và khi triển khai các dự án tu bổ di tích. Hiện nay, một số địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Có trường hợp chỉ mới chú trọng đến bảo vệ mà không chú ý khai thác, dẫn đến việc khai thác tùy tiện, quản lý lỏng lẻo làm xấu, làm biến dạng hình ảnh di tích.

Có trường hợp quá chú trọng đến khai thác mà ta vẫn gọi là hiện tượng “thương mại hóa di tích” hoặc có tổ chức khai thác (xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích này) nhưng không tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thực tế nên dẫn đến không hiệu quả. Việc khai thác di tích phải bảo đảm nguyên tắc giữ gìn bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích và phù hợp với tính chất của di tích, phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở từng thời điểm khác nhau. Mỗi di tích (cả bảo tàng và nơi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể) cần có đội ngũ nhân viên được đào tạo mang tính chuyên nghiệp và cơ sở vật chất nhất định mới tổ chức tốt hoạt động khai thác, các hoạt động khai thác này phải được quản lý chặt chẽ.

Hiện nay, ở Việt Nam, một số tỉnh không cho các bảo tàng, di tích làm kinh tế, điều này chưa đúng và gây lãng phí rất lớn. Chúng ta vẫn nên làm, nhưng không được làm theo kiểu ăn xổi, mang tính chất “chợ búa” mà phải làm ở tầm cao. Lấy ví dụ từ lầu Tứ Phương Vô Sự ở Huế, ta không nên biến nó trở thành một quán và phê chuyên nghiệp, cũng không nên để quán cà phê hằn sâu vào tâm trí người dân, mà có thể tổ chức dạ hội văn hóa, luôn thay đổi chứ không cố định. Như những cung điện ở Italia, ở Áo, họ đều mở những quán ăn cao cấp, trong đó, những căn buồng rộng dài, họ có thể tổ chức một bữa tiệc lớn với mức giá cho thuê tổ chức tiệc rất đắt...

Những mô hình khai thác di tích của các nước đều rất tốt, rất đáng học tập, chúng ta nên học hỏi những nước bạn, phải có sự chuyên nghiệp hóa vấn đề này. Chẳng hạn những người làm nghề đúc đồng, dành thời gian nghiên cứu những bảo vật trong Bảo tàng Lịch sử, để chế tạo những mũi tên đồng, những chiếc qua đồng ở trình độ cao để bán, để tạo thành những hàng lưu niệm để du khách mua về tặng người thân. Hay chế tạo những mẫu đồ dùng trong hoàng cung ngày xưa để bán cho du khách, chắc chắn sẽ có nhiều người thích... Chúng ta có thể làm nhái lại các đồ đó để bán với nhiều dạng, nhiều chất liệu khác nhau. Đúc chỉ là một dạng, có thể làm carpostal, bưu ảnh, catalogue... làm tất cả những gì ta có thể bán được.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch và cả kinh tế đều khẳng định, để làm được điều này, cần phải có chiến lược, chiến thuật, và phải đầu tư thật sự. Trước hết phải có sự đầu tư của Nhà nước, có sự hợp tác giữa các Bộ với nhau, giữa các cơ quan trong một Bộ cũng cần ngồi lại, bàn bạc, thống nhất các chủ trương... sau đó tổ chức làm việc với Bộ Công thương, với Liên hiệp các HTX, với các doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện để tạo ra những sản phẩm đồ lưu niệm có chất lượng cao để “móc hầu bao” của du khách. Ta không nên đổ tiền của vào những lễ hội hoành tráng, trong khi khách đến đó lại không biết mua gì ngoài mấy cái nón, mấy bộ thổ cẩm, mấy cái túi đeo... những sản phẩm đó tuy rất tốt, nhưng về chiến lược Nhà nước thì không thu được nhiều tiền cho du lịch. Đã đến lúc, chúng ta cần tính đến chuyện đi các nơi để học làm vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, đến một lúc nào đó, nhưng càng sớm càng tốt, ngành văn hóa nên tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch, các đồ lưu niệm liên quan đến các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bảo tàng của nước ta. Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện để đánh giá xem chúng ta đã làm được cái gì, từ trưng bày đó, nhận thấy cái được và chưa được, thấy cái hay, cái dở trong các sản phẩm du lịch của ta để từ đó đầu tư cho đúng hướng. Nếu trưng bày này lại được so sánh cùng với cả những sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm đa dạng của các nước thì chắc sẽ rút ra nhiều bài học quý cho tương lai. Bộ VH - TT - DL hàng năm có nhiều đề tài cấp bộ, có lẽ cũng nên sớm có một đề tài nghiên cứu ứng dụng về việc tạo ra các sản phẩm du lịch, các đồ lưu niệm ở các di tích, bảo tàng để huy động được các lực lượng xã hội, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thúc đẩy lĩnh vực còn bị bỏ ngỏ nhưng đầy tương lai này.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Luật Di sản văn hóa đã cho phép bảo tàng “Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ bảo tàng”, nên việc tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động dịch vụ là hết sức quan trọng.

Để tránh những sai sót đáng tiếc, ngay từ khi có dự án tu bổ, tôn tạo di tích hoặc xây dựng mới ngôi nhà bảo tàng, cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu, quy hoạch thật tốt thì việc bố trí hoạt động dịch vụ như trình diễn hoạt động văn hóa, tổ chức hoạt động giải trí, dịch vụ ẩm thực... mới khai thác tốt và không làm ảnh hưởng đến di tích. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý di tích cũng đang được hoàn thiện dần. Theo ông Hùng, chúng ta cần có một đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo và đây cũng là một công việc lâu dài, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhiền ban, ngành, nhiều cấp chính quyền địa phương nơi có di tích.

Và đáng tiếc là, cho đến nay, chúng ta cũng chưa tổ chức được hội thảo quốc gia, quốc tế nào chuyên bàn sâu về vấn đề này. Nếu có thì cũng chỉ bàn ở những người làm văn hóa, mà lại vắng mặt của các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp, và cả các nhà thiết kế mẫu...

Trong khi tất cả phải hợp sức lại để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Bên cạnh đó, các giám đốc bảo tàng, giám đốc các di tích cũng phải có trách nhiệm, phải nhận thức được là việc bán các đồ không liên quan đến di tích mình quản lý thì dứt khoát phải từ chối, đừng vì đồng tiền mà buông xuôi. Có như vậy, các di tích, di sản mới phát huy được thế mạnh, mang lại lợi ích kinh tế mà vẫn giữ được, thậm chí còn nâng cao hơn giá trị cho di tích.

Phương Lan

Kinh doanh trong bảo tàng, di tích - Cần một cái nhìn tổng thể - Bài 3: Để thương mại không làm hại di tích
Kinh doanh trong bảo tàng, di tích - Cần một cái nhìn tổng thể - Bài 3: Để thương mại không làm hại di tích

Như vậy là, việc kinh doanh trong di tích nên làm và dứt khoát phải làm. Nhưng làm thế nào để việc kinh doanh đó không chỉ đơn thuần là tạo nguồn thu, mà nó còn là việc tạo một môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN