Hương Khê vượt khó sau lũ

Hai tháng sau khi lũ rút, nhịp sống của người dân ở Hương Khê (Hà Tĩnh) về cơ bản đã ổn định. Nhưng trong sản xuất, người dân nơi đây đang phải gồng mình đối mặt với những mối lo thiếu sức kéo và giống cho vụ đông xuân.

Lợn đói, trâu cũng… đói

Giữa tháng 12/2010, chúng tôi tìm về xã Phương Mỹ - nơi ngập nặng nhất của Hương Khê trong hai đợt lũ vừa qua. Trên đường làng, chốc chốc lại bắt gặp những con trâu gầy hóp bụng. Người làng than thở với chúng tôi, sau lũ, rơm - thức ăn của trâu bị thối hết vì ủ lâu trong nước.Nguồn cỏ cũng không dồi dào. Vì thế mà trâu bò cứ gầy mòn đi.

Hai tháng sau lũ, hàng trăm gia đình ở Hương Khê còn phải sống trong những căn nhà tạm. Ảnh: Mạnh Minh


Bà Ngô Thị Bích, thôn Mỹ Thượng, đứng bên chuồng trâu trống trơn của nhà mình tần ngần: “Trước lũ, nhà tui có 10 con cả trâu lẫn bò. Lũ về, trôi sạch bách cả chuồng lẫn trâu.


Chuồng thì nay đã được bộ đội về giúp dựng lại. Nhưng trâu thì không biết khi mô mới có mà nuôi! Bây giờ, không có trâu thì khổ vì nhà tui có hơn 6 sào ruộng, mà có trâu cũng khổ vì không biết lấy chi nuôi hắn!”. Tình trạng trống chuồng chẳng phải của riêng nhà bà Bích, mà của nhiều hộ gia đình khác.

Thiếu nguồn thức ăn cho trâu, người dân trong xã phải xuôi huyện Đức Thọ để mua rơm về. Chị Bích kể: “Mấy ngày trước, một người làng phải đánh xe mua rơm ở tít xã Đức Long (Đức Thọ) về chia cho trâu của mấy nhà anh em.


Một bó rơm giá 20.000 đồng. Nhà này mua 1.000 bó rơm hết 2 triệu đồng. Có nhà khác, cũng mua một xe ô tô rơm hết 3,9 triệu đồng. Nhưng những nhà có tiền mua rơm như thế chỉ đếm đầu ngón tay. Chứ nhiều nhà, tiền làm gì có mà mua rơm cho trâu”.

Sắp vào vụ sản xuất, sức kéo đang là một vấn đề đáng ngại của người dân. Khắc phục tình hình này, cán bộ xã cho biết, ngay sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo bà con nông dân làm đất, trỉa ngô để nhanh chóng tạo thức ăn cho trâu bò, đảm bảo sức cày kéo cho vụ đông xuân.

Không chỉ riêng thức ăn cho trâu, mà thức ăn cho lợn cũng đang khiến nhiều gia đình lo lắng. Chị Ngô Thị Lài cho biết: Nhà chị trước lũ có 50 con lợn, lũ trôi gần hết, nay còn sót 5 con mà cũng đang sốt ruột vì thiếu thức ăn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hương Khê, ngày 26/10, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ gia súc, gia cầm bị trôi cho người dân. Theo chính sách này, nhà nào có 1 con trâu/bò bị trôi, được hỗ trợ 2 triệu đồng, mức hỗ trợ là 700.000 đồng đối với 1 con lợn bị thiệt hại và hỗ trợ 20.000 đồng cho mỗi con gia cầm bị chết.

Thiếu kinh phí mua giống

Ông Lê Tiến Đài, Phó phòng nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: Những mùa lũ trước, dân vẫn chủ động lo được giống. Nhưng năm nay lũ lớn, nguồn giống tại các gia đình bị trôi sạch. Để bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho huyện 2,8 tỷ đồng mua giống lúa lai và 500 triệu đồng cho giống lúa thuần. Tỉnh cũng quyết định hỗ trợ 390 triệu đồng mua giống lạc.


Theo ông Đài, tỉnh và huyện đã cố gắng mức tối đa nhưng chỉ được phần nào. Người dân cũng phải gồng mình lên bằng cách này hay cách khác, cố gắng không để ruộng bỏ hoang.

Nguồn cung ứng trên thị trường không thiếu, nhưng vấn đề nan giải là kinh phí. Ông Đài nói: “Khó khăn nhất của dân vẫn là thiếu tiền mua giống. Trong tổng diện tích sản xuất, tổng lượng giống cần thiết cho sản xuất, với số giống và số tiền đã hỗ trợ, vẫn thiếu khoảng 3 - 4 tỷ đồng mới đáp ứng đủ nhu cầu”.

Bên cạnh những khó khăn về giống lúa và hoa màu, một trở ngại có thể ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của vụ đông xuân ở Hương Khê còn là chất đất. Sau 2 đợt lũ, bên cạnh những diện tích màu mỡ lên, có khoảng vài chục héc ta diện tích ruộng bị đất đá các công trình giao thông thủy lợi dồn về.


Lũ rút, các xã đã huy động sức dân thành nhiều đợt để khắc phục, huyện phát động chiến dịch giao thông thủy lợi nội đồng đắp bờ, giữ nước, để cải tạo lại một số diện tích ruộng nhỏ rải rác bị bồi lấp. Hiện, ở những xã như Hương Liên, Hương Trạch, Hà Linh, chất đất của nhiều diện tích ruộng xấu hẳn đi.

Những năm trước, năng suất vụ đông xuân của Hương Khê thường đạt 45 - 47 tạ/ha, sản lượng lúa 13.000 - 14.000 tấn, sản lượng hoa màu khác 2.000 - 3.000 tấn. Mặc dù khó khăn hiện tại là không nhỏ nhưng với nguồn hỗ trợ cao nhất của tỉnh, ngành nông nghiệp Hương Khê đang kỳ vọng năng suất sẽ vượt các năm để bù đắp thiệt hại.


Nhưng nhiều cán bộ nông nghiệp địa phương vẫn thấp thỏm với thời tiết, trong khi sản xuất đông xuân phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là thời tiết. “Kinh nghiệm năm 2007, sau trận lũ to là đến một vụ đông giá rét vô cùng, chưa từng xảy ra.


Năm nay, lũ còn to hơn, mức độ giá rét thế nào vẫn chưa thể đoán trước được gì”, ông Lê Tiến Đài nói.

Nhiều hỗ trợ cho nông dân vùng lũ

Trên cơ sở thiệt hại của các tỉnh miền Trung đợt vừa rồi, theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Bộ đã có công văn đề nghị hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại 2.800 tấn lúa giống, 200 tấn ngô giống, 110 tấn hạt giống rau cho các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai nói chung trong đợt lũ vừa qua. Riêng Hà Tĩnh, được hỗ trợ 600 tấn giống lúa, 40 tấn giống ngô và 17,5 tấn hạt giống rau.

Còn theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình đều là những tỉnh bị thiệt hại nặng về con giống gia súc sản xuất và con giống phục vụ sức kéo.


Về hỗ trợ cho người nông dân, các tỉnh đã có chính sách hỗ trợ Quyết định 142/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh tự cân đối ngân sách. Nếu không đủ, các tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ thêm để bổ sung.


Cục cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi các tỉnh phía Bắc hỗ trợ được 3 con bò giống, 7.000 con gà giống, 1.000 con vịt giống, 170 con lợn và gần 400 triệu đồng tiền mặt cho bà con nông dân.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN