Hồn Việt giữa trùng khơi

Chuyến đi Trường Sa năm ấy để lại trong tôi bao ấn tượng khó phai, khơi gợi trong tôi bao cảm giác chưa bao giờ gặp. Một trong những kỷ niệm để lại ấn tượng sâu đậm nhất là khi được lắng nghe trái tim mình hòa trong tiếng trống đồng vang vọng giữa biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng trống mang hồn Việt giữa trùng khơi.


Đấy là chuyến công tác số 10 ra thăm và làm việc ở huyện đảo Trường Sa từ ngày 1/6/2010 đến ngày 8/6/2010. Các cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã vinh dự được thay mặt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa nhận chiếc trống đồng do nhà sử học Dương Trung Quốc, thay mặt hội Sử học Việt Nam trao tặng.

 

Bên cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây.


Đây là một trong 100 chiếc trống đồng được đúc nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội - biểu tượng của linh hồn Việt, hội tụ tinh hoa của các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Quảng Xương, mang cốt cách của nền văn minh Lạc Việt. Bên bia chủ quyền đại tá, Cục trưởng cục Hậu cần của binh chủng Hải quân và đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng chính sách, cục chính trị của quân chủng, rất xúc động khi nhận món quà vô giá này.


Trống đồng kiêu hãnh tỏa sáng bên bia chủ quyền đầy nắng gió. Tiếng trống đồng rung lên như nhịp của con tim những người dân con Lạc cháu Hồng. Tiếng trống ngân nga như tiếng của ngàn xưa vọng lại, nối liền quá khứ oai hùng của ông cha với hiện tại và tương lai, lay động cả đất trời và biển khơi hùng vĩ. Ánh mắt hồn nhiên của các em thơ nơi đảo xa sáng ngời lên ngọn lửa, các em lắng nghe tiếng trống đồng hòa cùng nhịp đập của trái tim son trẻ như lắng nghe lời ru của bà, của mẹ, một cánh cò chở nắng dịu dàng cánh đồng xanh quê hương thơm mùa no ấm. Tiếng trống ngân trên đầu ngọn sóng, khoan thai trên cánh hải âu lan tới tận chân trời, kết nối vòng tay bè bạn.

Tiếng trống rung lên làm run sợ kẻ thù, nỗi khiếp sợ truyền kiếp của những tên xâm lược. Trong lớp lớp sóng xô như còn vang vọng lời sử sách ghi lại việc Trần Lương Trung, sứ nhà Nguyên sang nước ta, đời vua Trần Nhân Tôn (1291), có bài thơ “Cảm sự” trong “Sứ Giao Châu tập”, viết về Trống Đồng Việt: “Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng/ Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa”. (Kim khoa ảnh lý đan tâm khổ/Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh). Nghĩa là nhớ đến trận chiến quân Nam đuổi đánh, quân Mông Cổ sợ kinh khiếp đến nỗi chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã mà sứ giả đã bạc trắng tóc rồi! Trống đồng ngân trong tiếng quốc ca oai hùng mỗi mai sớm nơi tiền tiêu Tổ quốc, thêm vững lòng người lính trẻ. Tổ quốc ở bên anh. Nhân dân ở bên anh. Chính nghĩa ở trong anh. Lịch sử trao cho anh trách nhiệm và niềm tin yêu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Khi có giặc, tiếng trống đồng thôi thúc xung phong tiến lên phía trước, chiến thắng quân thù, là truyền thống bốn ngàn năm chống giặc, là lời khẳng định chủ quyền, ý chí và sức mạnh toàn dân, thức tỉnh lương tri nhân loại, kẻ thù bạt vía kinh hồn. Hòa bình, tiếng trống nhân ái, khoan hòa, bầu bạn bao dung, ấm trong ánh mắt nụ cười, dâng trong mỗi hạt căng mẩy mùa no ấm, rạo rực gọi mỗi chồi xuân, bình yên trong mỗi tiếng chim gù, mỗi giấc trẻ thơ, mỗi lời yêu trao nhau hò hẹn, âm vang trong tiếng trống tựu trường. Tiếng của niềm tin yêu và sinh sôi bất tận.


Từ xa xưa trống đồng đã được coi là vật thiêng của người Việt cổ. Ở thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía tây bắc có ngôi đền thờ Thần Trống Đồng. Tương truyền, có một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu ở khúc sông Mã gần đền (có nguồn nói là vua Hùng Vương đời thứ nhất nhưng cũng có sách nói là vua Lý Thái Tông đi dẹp giặc ngoại xâm). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là Ðồng Cổ báo mộng bày cách dẹp giặc loạn.

Khi vua tỉnh giấc còn nghe vang vọng tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Theo báo mộng của thần, khi ra trận vua cho dùng dùi đồng gõ vào trống đồng, giặc hoảng loạn sợ hãi bỏ chạy. Nhà vua sau đó đã quay lại để tạ ơn thần và cho tu bổ đền khang trang hơn. Tên đền Ðồng Cổ được dân làng gọi theo từ đó. Vua Lý Thái Tông còn cho rước thần Ðồng Cổ từ Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long (nay ở Thụy Khuê), lại phong cho thần chức quan “chủ trì việc thề trong cả nước” và ngày 4/4 âm lịch hàng năm, vua cùng các quan văn võ đều ra đền làm lễ “Minh thệ” - ăn thề, giết con sinh (vật tế) uống máu ăn thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung trời tru đất diệt”, các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này. Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân bốn phương về dự hội rất đông!


Đây đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây, Nam Yết, đây Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây… hiên ngang giữa đại dương trùng trùng sóng vỗ. Các chiến sĩ da sạm màu nắng gió, nụ cười luôn nở trên môi, mắt dõi nhìn bốn phía không một phút giây lơ là cảnh giác. Tiếng em học sinh ngày ngày đến lớp, tiếng đọc bài vang trên ngọn sóng, những đàn bò thong dong gặm cỏ bình yên như ở làng quê, những chú vịt lặn ngụp trên sóng biển như chốn ao làng, những vườn rau xanh biếc treo giữa chang chang nắng và hun hút gió… Bao khó khăn vất vả, hiểm nguy không thể làm nản lòng những người lính trẻ, vững tay súng gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

Cái khoảng cách về không gian và thời gian như không còn khi tiếng trống đồng trầm hùng vang lên lồng lộng. Khó có thể nói hết không khí thiêng liêng khi nghe tiếng tim amình hòa cùng tiếng trống đồng vang vọng giữa Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn công tác tay trong tay ôm trọn trống đồng vào lòng, ánh mắt ngời lên sự tin yêu vào tương lai đất nước. Tất cả đều thành kính hướng về nguồn cội, nhận thấy trong mình cuồn cuộn trào dâng sức mạnh bốn ngàn năm ý chí quật cường dân tộc Việt. Nắng, gió, sóng biển hòa cùng nhịp trống. Chưa bao giờ chúng tôi thấm thía cái giá từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu từng thấm máu của bao thế hệ và trách nhiệm của mỗi người con đất Việt như giờ phút thiêng liêng ấy.


Bài và ảnh:Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN