Bệnh Rubella (bệnh sởi Đức) là loại bệnh do virút gây ra, lành tính nhưng rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai vì sẽ dẫn đến hội chứng Rubella bẩm sinh cho trẻ. Đến 90% thai nhi sẽ bị dị tật bẩm sinh nếu thai phụ mắc bệnh Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thế nhưng, cộng đồng và nhất là phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình lại chưa có sự hiểu biết đúng về bệnh đã dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Viện Pasteur (TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Nỗi đau Rubella
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, người bình thường mắc bệnh Rubella không hề nguy hiểm, rất hiếm khi xảy ra biến chứng. Nhưng đây lại là virút có khả năng gây dị tật bào thai nhiều nhất. Virút Rubella sẽ từ mẹ thông qua nhau thai làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, gây nên các biến chứng, dị tật nguy hiểm, phụ thuộc vào việc người mẹ nhiễm Rubella ở giai đoạn nào của thai kỳ. Chẳng hạn, mắc bệnh ở giai đoạn mới mang thai sẽ dẫn tới sẩy thai; giai đoạn trong 12 tuần đầu (3 tháng) sẽ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật vòm miệng, đục thủy tinh thể, có một số là đa dị tật; gần tới ngày sinh sẽ gây ra suy dinh dưỡng bào thai. Lâm sàng của bệnh rất điển hình, sốt nhẹ nổi hạch ở cổ, chỉ cần tự chữa trị trong vài ngày sẽ khỏi bệnh. Nhưng cũng vì vậy mà đa số phụ nữ đang mang thai không biết rằng mình đã mắc bệnh Rubella. Chỉ đến khi sắp sinh, đi khám thì mọi chuyện đã muộn.
Cán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho học sinh trường mầm non xã Phước Lập, huyện Tân Phước, nơi vừa phát hiện ổ dịch Rubella. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Bác Phạm Thị Xuân Ánh, bà ngoại bé Nguyễn Minh Trọng - một bé mắc hội chứng Rubella bẩm sinh đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 tâm sự, được tám tháng rưỡi mẹ bé đi khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ mới biết thai nhi đã mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Các bác sĩ khuyên nếu sinh bé ra sẽ rất khó nuôi vì khó lên cân, bên cạnh đó bé còn bị bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể ở mắt và có nguy cơ bị mù. Biết vậy nhưng gia đình cả hai bên vẫn hy vọng có thể chữa được bệnh cho bé. Bé mới sinh ra chỉ được 1,6 kg, đến nay đã 3 tháng tuổi mà cũng chỉ được 3,2 kg và đang sống nhờ truyền dịch. Gia đình cũng như bệnh viện đang cố gắng giúp bé tăng cân để tiến hành phẫu thuật tim vì nếu kéo dài quá bệnh tim của bé sẽ càng ngày càng nặng. Hiện tại, bé yếu hơn so với lúc mới sinh, ho nhiều, tắt tiếng và tim đập yếu hơn. Nếu phẫu thuật tim thành công, các bác sỹ sẽ tiến hành phẫu thuật mắt ngay để bé khỏi bị mù. Mẹ bé chỉ nhớ rằng trong thời gian mang thai bị sốt nhẹ có phát ban nhưng tự khỏi mà không đi bệnh viện khám vì cứ nghĩ đó chỉ là cảm sốt thông thường.
Một trường hợp khác cũng bị mắc hội chứng Rubella bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, ngoài những triệu chứng như bé Trọng, bé Ngọc Anh con chị Phạm Thị Tuyết còn bị thêm dị tật vòm miệng. Chị nghẹn ngào nói: Đã 4 năm qua, bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của bé và cả gia đình. Sinh bé ra cả gia đình cứ ngỡ không thể giữ được vì nhịp thở của bé rất yếu, phải nuôi bé trong lồng kính hai tháng. Về nhà được 1 tuần, bé lại phải nhập viện để bác sĩ theo dõi. Đến nay, bé đã được 8 kg, đầu tháng 5 này sẽ được phẫu thuật tim. Chi phí phẫu thuật được hỗ trợ. Khi được hỏi về bệnh Rubella, chị chỉ lắc đầu, chị không đi khám thai định kỳ nên không biết mình mắc bệnh Rubella từ lúc nào. Trước khi sinh nửa tháng, chị bị sốt nhẹ nên nhập viện để khám bệnh, đó cũng là lúc chị được bác sĩ thông báo đã mắc bệnh Rubella và truyền sang cho thai nhi dẫn tới bé bị dị tật...
Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, chưa có số liệu thống kê Bệnh viện đã tiếp nhận bao nhiêu trường hợp trẻ em mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Nhưng những năm gần đây, số ca Bệnh viện tiếp nhận gia tăng. Đó là chưa tính đến những trường họp người mẹ sẩy thai do mắc bệnh Rubella. Dịch bệnh thường bùng phát ở những xí nghiệp may, nơi những nữ công nhân đang mang thai không đi khám thai. Họ cũng không nhớ có một cơn sốt nhẹ như vậy, chỉ nghĩ là cảm cúm.
Tiến tới tiêm chủng mở rộng bệnh Rubella
Cũng theo bác sĩ Thọ, không có thuốc để chữa bệnh Rubella cho phụ nữ đang mang thai mắc bệnh. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 35 nên đi tiêm phòng ở các trung tâm y tế trong vùng sinh sống. Khi đã mang thai, người mẹ nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người vì dễ lây lan qua đường hô hấp. Đó là cách tốt nhất để phòng bệnh cho thai nhi.
Bác sĩ Phượng nhận định, diễn biến về các bệnh lây qua đường hô hấp thời gian này khá phức tạp, trong đó có bệnh Rubella. Có một hiện tượng là bệnh Sởi và bệnh Rubella có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Khi bệnh Sởi tăng cao, Rubella lại giảm và ngược lại. Từ cuối năm 2010 đến nay, dịch Rubella xảy ra liên tiếp ở miền Bắc, tuy nhiên tỷ lệ mắc Rubella dương tính ở miền Nam vẫn cao hơn những năm trước. Lứa tuổi từ 15 - 45 chiếm 57% tổng số trường hợp bị bệnh. Theo Tổ chức Y tế Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ước tính, trong 1 triệu trẻ được sinh ra hàng năm nếu không được tiêm phòng bệnh Rubella nhưng sống ở những vùng không có dịch bệnh Rubella sẽ có 100 - 1.000/1 triệu trẻ sẽ sống; nếu sống trong vùng dịch, tỷ lệ này là 100 - 200/1 triệu trẻ. Trước tình trạng đó, Khoa y tế cộng đồng, cũng như các tổ chức y tế khác đang đề nghị Bộ Y tế đưa chiến lược tiêm phòng bệnh Rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước tiên, sẽ tiến hành tổ chức hệ thống giám sát bệnh ở hai bệnh viện lớn là Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (tuyến điều trị cuối cùng của các trường hợp mắc hội chứng Rubella bẩm sinh ở các tỉnh) để làm cơ sở xem xét. Trong thời gian đó, cần nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về bệnh Rubella, cũng như cách phòng bệnh cho người đang mang thai.
Lan Phương