Hỗ trợ giảm nghèo tại huyện nghèo: Không chỉ là rót vốn

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo do Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương tổ chức hôm qua (18/9), những địa phương nghèo đã có diện mạo mới sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Khối doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào kết quả đó.

Chuyển biến rõ rệt

Huyện Sơn Hà cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 30 km, có 14 xã, thị trấn trong đó có 11 xã và 6 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số của huyện là 69.640 người, sống bằng nghề nông là chủ yếu, trong đó, 82% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Đinh Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, trong thời gian qua, địa phương nhận được nhiều quan tâm và hỗ trợ của các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ủng hộ trên 36 tỷ đồng, đầu tư hỗ trợ làm đường, đập, tuyến kênh thủy lợi, xây dựng 1 trường trung học hai tầng với 12 phòng. Chương trình xóa nhà tạm được Tập đoàn hỗ trợ trên 22 tỷ đồng.

Cũng theo bà Hường, hỗ trợ của doanh nghiệp kết hợp với nguồn ngân sách và sự đóng góp của dòng họ, sự nỗ lực của người dân, kết quả, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của địa phương mỗi năm là 7 - 8%, thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 4,2 triệu đồng/năm. “Sự hỗ trợ của doanh nghiệp là một đóng góp đầy ý nghĩa trong công tác giảm nghèo của huyện”, bà Hường nói.

Đổi thay cũng đã đến với người dân huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Theo ông Lý Anh Hừ, Chủ tịch UBND huyện, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đã hỗ trợ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, xây trung tâm chữa bệnh và 8 căn nhà bán trú dân nuôi, trao học bổng cho hàng trăm học sinh mỗi năm... Huyện còn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây trường mầm non. Nhờ điều kiện học tập được nâng cao, học sinh nghèo được quan tâm kịp thời, tỷ lệ bỏ học đã giảm nhiều so với trước kia, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện.

Theo ông Vũ Đức Kiển, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, sau 3 năm thực hiện, 26 doanh nghiệp trong Khối đã chủ động, tích cực tham gia chương trình, không chỉ rót nguồn kinh phí mà còn hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho đồng bào 54/62 huyện nghèo, tạo thêm việc làm, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống người dân...

Hỗ trợ của doanh nghiệp cho các huyện nghèo về hạ tầng điện, đường, trường, trạm, mạng lưới viễn thông, thủy lợi nội đồng... đã từng bước làm thay đổi lối sống, sinh hoạt và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Cam kết đồng hành vì người nghèo

Những kết quả mà doanh nghiệp mang lại trong việc giảm nghèo cho các huyện nghèo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Hầu hết các hộ nghèo đều sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, hạ tầng kém, hay bị thiên tai nên tác động lớn đến kết quả các chương trình hỗ trợ và kết quả giảm nghèo.

Ở huyện Sơn Hà, theo bà Đinh Thị Thanh Hường, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và nguy cơ giảm nghèo thiếu bền vững vẫn còn. Ước tính cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ còn khoảng 58,3%.

Thống kê cho thấy, 26 doanh nghiệp đã hỗ trợ cho 54 huyện nghèo 1.426,965 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa và xây mới gần 53.000 nhà ở cho đồng bào; giúp các huyện nghèo xây dựng được 117 trường học, 112 nhà bán trú dân nuôi, 68 trạm - trung tâm y tế...

Huyện Mường Tè cũng chung mối lo tương tự. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới áp dụng từ ngày 1/1/2011, huyện hiện còn 1.709 hộ nghèo.

Băn khoăn trước những trở ngại trước mắt, nhiều địa phương mong muốn Chính phủ phân bổ tăng thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng để huyện triển khai các chương trình 30a ở địa phương. “Chúng tôi cam kết sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, địa chỉ, đối tượng và hiệu quả”, bà Hường khẳng định.

Theo ông Vũ Đức Kiển, xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp về khoảng cách trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, các nhóm dân cư. Giai đoạn 2012 - 2015, các doanh nghiệp cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương nghèo, chú trọng cùng các địa phương nghiên cứu những mô hình, nội dung mới để hỗ trợ, đồng thời, đăng ký hỗ trợ thêm những huyện nghèo khác.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN