Hiệu quả từ mô hình làng thanh niên lập nghiệp: Sức trẻ phủ xanh đất Na Ngoi

Tại các làng thanh niên lập nghiệp, đang có những người trẻ từ bỏ miền xuôi để lên những vùng miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo vỡ đất, khai hoang. Thời gian qua, dự án làng thanh niên lập nghiệp đã tạo điều kiện cho thanh niên đóng góp ngày càng hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Ở làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (thuộc xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), mọi người gọi nhau là đội viên, và họ gọi “làng” là đơn vị. Sự có mặt của các đội viên ở đây đang giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái trước đây sống rải rác, nay về định cư quần tụ quanh đơn vị đổi thay từng ngày.

Tháng ba này, về làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, chúng tôi ngỡ ngàng trước một màu xanh phủ khắp gần 200 ha đất đồi. Đó là màu xanh của vườn 10.000 cây bắp cải chuẩn bị đến vụ thu hoạch và hai vườn ươm chè shan tuyết, dự định sẽ cấp giống cho bà con trồng trên 50 ha. Rải rác là su hào, là bí, đỗ, rau cải. Gần nhà bếp là một khoảnh vườn xinh xắn với hai hàng cây đu đủ trĩu quả, giàn cà chua xanh um. Trong cái tĩnh vắng của buổi chiều biên giới, tiếng gà chiêm chiếp từ chuồng vọng ra đem lại không khí đầm ấm cho không gian "làng"!.

Dựng làng, lập nghiệp

Ở huyện Kỳ Sơn, trước khi có làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, đã có Tổng đội thanh niên xung phong ở xã Huồi Tụ - tổng đội 8. Năm 2007, anh Vương Trung Úy là một trong ba người đầu tiên từ Tổng đội 8 được cử sang Na Ngoi để đặt vấn đề tìm đất mở làng thanh niên.

Ruộng bắp cải của làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi.


Năm 2009, Dự án làng thanh niên lập nghiệp được phê duyệt, quân số đơn vị được bổ sung thêm, các hạng mục cơ sở hạ tầng được xây dựng dần dần. Anh em đã vận động chính quyền địa phương, kết hợp làm công tác dân vận, kêu gọi bà con ở những nơi sát đường biên giới về định cư xung quanh làng. Qua mấy năm, đến nay đã có 45 hộ gia đình chuyển nhà từ những nơi cao, sâu, xa về dựng quanh trung tâm đơn vị. Đó là dân của 9 bản: Ka Trên, Ka Giới, Buộc Mú, Buộc Mú 1, Buộc Mú 2, Thặm Phăn, Xiêng Xí, Kẹo Bắc và Tham Hón. Dự án đã xây dựng được một công trình nước sạch, một công trình thủy lợi, công trình giao thông. Tất cả kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Na Ngoi không có chợ. Nếu muốn mua thịt cá thì bà con dân bản phải chịu khó chờ những xe buôn (tức là những người đi buôn bằng xe máy), chở từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) cách đó khoảng 50 cây số mang đến. Nhưng riêng rau xanh thì chỉ đơn vị trồng cũng đã dư ăn và còn có để bà con dân bản mua về dùng. Theo anh Vương Trung Úy, đội trưởng đội sản xuất, trước khi anh em lên lập làng, bà con ở đây chỉ trồng một loại rau cải Mông - thứ rau cải chỉ có trong vài tháng là hết. Từ tháng tư trở đi, bà con không canh tác loại rau gì. “Từ ngày anh em lên, vỡ đất trồng các loại rau, dân bản cũng đến mua về ăn. Có nhà ở cách xa đơn vị, đến mua một lúc gần một bì tải bắp cải”, anh Úy kể.

Hỗ trợ bà con làm ăn

“Trước khi đơn vị lên đây, dân chỉ làm 1 vụ mùa. Ngoài ra, họ đốt nương làm rẫy, trồng sắn, nuôi trâu bò, lợn gà thả rông. "Làng" được thành lập, cũng còn nhằm hướng dẫn bà con cách làm lúa hai vụ, sản xuất theo hướng hàng hóa”, anh Úy nói.

Đơn vị có 4 người tốt nghiệp đại học nông nghiệp, 1 người tốt nghiệp đại học tài chính, 1 người là cử nhân kinh tế. Còn các đội viên khác là thanh niên nhiều huyện miền xuôi của tỉnh Nghệ An về tham gia sản xuất: Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn. Nhờ đội ngũ cán bộ có trình độ này, bà con đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa vụ đông xuân. “Năm ngoái chủ tịch xã đến đây cho biết có nhà bội thu. Cũng trên mảnh ruộng đó, làm lúa vụ mùa truyền thống thì chỉ hơn 1 tạ, nay làm theo hướng dẫn của anh em đơn vị, đã thu được 2,5 tạ/sào.

Bà con cứ bảo như là lúa ma!”, anh Úy kể. Một vài nhà làm có hiệu quả, các nhà khác cũng lũ lượt đến đăng ký giống, nhờ anh em bày cách làm. Anh em đơn vị cũng cấp giống bắp cải cho một số lãnh đạo xã, già làng, trưởng bản và cấp phân NPK hướng dẫn họ trồng. Bà con thấy dễ làm, rau ngon, lại kéo đến đơn vị học hỏi. “Đồng bào dân tộc ở đây rất chịu khó và không chịu thua ai, họ học rất nhanh, mặc dù rất nhiều người chưa biết chữ”, anh Úy kể. Đến nay, rất nhiều gia đình đã tự làm được rau bắp cải, đủ ăn và có để bán.

Tuy vậy, mục đích chính của dự án là hướng dẫn bà con trồng chè shan tuyết. Mục tiêu dự án đặt ra là sẽ giúp bà con trồng 500 ha chè này. Hiện nay, đơn vị đã cấp giống cho 57 hộ gia đình trồng 50 ha chè và số chè trong vườn ươm hiện tại khoảng 6 tháng nữa tiếp tục cấp cho các hộ gia đình khác có nhu cầu. Vừa cấp không giống má, đơn vị còn hỗ trợ cho bà con, kết hợp với phòng nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn và cho một số lãnh đạo cốt cán đại diện cho bà con sang tổng đội 8 học hỏi kinh nghiệm.

Theo lãnh đạo ban quản lý làng, mô hình trồng chè rất khả thi vì đã có mô hình "đi trước" của tổng đội 8. Chỉ sau 2 năm, bà con có thể thu hoạch. Cái khó nhất là để bà con thông tư tưởng. Hiện nay, một việc quan trọng không kém là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên địa phương. Trong số 18 đội viên, có 4 người là người dân tộc Mông. Các bạn đều tầm tuổi hai mươi, tốt nghiệp phổ thông, là những thanh niên được xã lựa chọn vào để tham gia sản xuất cùng anh em miền xuôi. Trong đó, có 1 đội viên đang học Đại học tại chức Nông nghiệp. Với đội ngũ thanh niên địa phương này, việc triển khai các kế hoạch giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất là rất có triển vọng.

Sắp tới, theo ban quản lý làng, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất cho trung tâm làng thanh niên: Xây thêm 1 hội trường khoảng hơn 200 m2, một trạm y tế nhỏ và một trường mầm non, sẽ tiến tới mua lò sấy chè để khi bà con có sản phẩm, sẽ thu mua. “Điều quan trọng nhất để thành công là vừa phải lo đầu vào, vừa phải giải quyết đầu ra cho đồng bào ở đây”, lãnh đạo làng cho biết.

Nhờ lao động sản xuất chăm chỉ, thu nhập của mỗi đội viên ở Làng thanh niên đạt hơn 2 triệu đồng/tháng, có những vụ anh em còn được thưởng. Ví dụ, đợt trồng hoa ly Tết 2011, lãi được 150 triệu đồng, ban quản lý đã trích thưởng cho các đội viên, tùy vào thành tích của từng người.

Những dịp đại hội Đảng của xã, anh em đội viên đều mặc áo xanh thanh niên tình nguyện ra tham gia giúp đỡ, mang cả rau xanh ra cung cấp cho các cuộc liên hoan.

Và mỗi dịp tháng ba này, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trụ sở làng thanh niên lập nghiệp trở thành nơi diễn ra giao lưu văn nghệ, thể thao và liên hoan của anh em đơn vị, của bộ đội biên phòng Na Ngoi, của các giáo viên trường mầm non, tiểu học trong xã và sự tham gia của bà con dân bản.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN