Hàng lậu gia tăng trên biên giới Tây Nam

Vào những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An vùng ĐBSCL càng diễn biến phức tạp. Có thể nói, thực trạng này như là một “căn bệnh” nan y mà chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Cuối năm, buôn lậu tăng mạnh

Tại tỉnh An Giang, theo thông tin từ cơ quan chức năng, hàng hóa buôn lậu vào Việt Nam chủ yếu là vàng, tiền, hàng điện tử, gỗ, rượu, phân bón, hàng gia dụng, quần áo đã qua sử dụng... Đặc biệt, hai mặt hàng thuốc lá điếu ngoại có số lượng nhập lậu qua biên giới tăng 55% và đường cát Thái Lan tăng gấp 3,6 lần so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2014, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh đã bắt giữ trên 1.722 vụ, trị giá hàng nhập lậu, hàng cấm (thuốc lá) trên 36,562 tỷ đồng. Bên cạnh việc tịch thu hàng hóa, các ngành chức năng còn xử phạt hành chính trên 11,5 tỷ đồng…

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Muống (BĐBP tỉnh Đồng Tháp) kiểm đếm tang vật.


Điểm “nóng” nhất hiện nay là địa phận gò Tà Mâu, huyện Borey Chosa (tỉnh Tà keo - Campuchia), giáp tuyến biên giới phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc - An Giang) với 17 cửa hàng kinh doanh và kho chứa với đầy đủ các mặt hàng, được các đối tượng buôn lậu sử dụng đủ các loại phương tiện đường thủy, đường bộ đưa hàng qua biên giới và vận chuyển sâu vào nội địa tỉnh An Giang.

Thị trấn Long Bình (huyện An Phú), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) giáp tỉnh Kandal (Campuchia) là điểm nóng nhập lậu đường cát Thái Lan bằng đường thủy. Các đối tượng dùng ghe máy có tải trọng từ 20 - 80 tấn làm kho chứa đường cát trên sông và thay đổi bao bì trên đất Campuchia, sau đó chờ đợi thời điểm thích hợp vận chuyển đến các kho hàng ở An Giang. “Phương thức hoạt động của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, thường vào nửa đêm hay gần sáng, bằng cách chia nhỏ lẻ hàng hóa, cất giấu, hoặc xen với hàng hóa khác, thuê mướn nhiều người vận chuyển vào nội địa tiêu thụ và liên tục thay đổi địa bàn hoạt động”- ông Phan Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho hay.

Năm 2015 dự báo tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, bởi chính sách mở cửa, hội nhập và phát triển khu vực, hàng hóa trong nước không cạnh tranh được hàng hóa ngoại nhập hiện có nhu cầu cao.

Còn tại tỉnh Long An, tình hình buôn lậu những tháng gần đây có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, 10 tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 1.046 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử phạt hành chính, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Thời điểm giáp Tết, tại các huyện, thị biên giới như: Tân Hồng, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) tình hình buôn lậu cũng diễn biến rất phức tạp… Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, tổng số vụ buôn lậu từ đầu năm 2014 đến nay được phát hiện, bắt giữ là 1.696 vụ, tăng tới 73% so với tổng số vụ buôn lậu của năm 2013.

Hiện nay UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đang triển khai đợt cao điểm từ nay đến ngày 22/2/2015 với các lực lượng liên ngành, gồm quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng nhằm siết chặt công tác kiểm tra nội địa và PCBL trên tuyến biên giới, đặc biệt chú trọng mặt hàng thuốc lá, đường cát, rượu.

Cần giải pháp căn cơ

Theo đại diện của các ngành có liên quan, công tác PCBL tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Phó Ban Chỉ đạo 389 An Giang kiến nghị: “Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cần xem xét về hành vi mua bán, vận chuyển lậu thuốc lá điếu ngoại. Từ 500 gói trở lên đã phải xử lý hình sự, thì mới đủ sức răn đe so với quy định hiện nay từ 1.500 gói trở lên”.

Đối với những mặt hàng khác, các ngành cũng kiến nghị cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và Bộ Công An về việc hướng dẫn hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Vì thời gian qua các đối tượng buôn lậu đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty, nhà máy sản xuất trong nước hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của nhà nước để hợp thức hóa hàng nhập lậu và từ hóa đơn này còn quay vòng vận chuyển hàng nhập lậu nhiều lần.

Một trong những giải pháp nhằm chấm dứt nạn buôn lậu là cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm thực sự hiệu quả cho những người thất nghiệp, nhất là người dân ở khu vực biên giới để họ có cuộc sống ổn định, không để các đầu nậu lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu.

Tuy nhiên tại các xã, huyện biên giới, việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân lại gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút đầu tư các cơ sở, xí nghiệp. Dù đã có những chương trình đào tạo nghề gắn với tạo việc làm do chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng phối hợp triển khai nhưng bị “phá sản”. Nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông chưa phát triển. “Thời gian qua, chính quyền xã đã phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo lớp đan ghế nhựa. Nhưng sau khi đào tạo xong thì lượng hàng cung cấp để gia công rất là thấp. Tuần đầu chỉ vào khoảng 20 - 30 ghế cho bà con đan, sau đó thì không còn cung cấp nữa. Ngoài ra, địa phương cũng cố gắng đào tạo nhiều nghề khác nhưng không có doanh nghiệp nào chịu đầu tư trên địa bàn vì hạ tầng giao thông rất khó khăn”, ông Trần Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A cho hay.

Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN