Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 6% tổng số vụ TNGT do lạm dụng rượu gây ra với hàng ngàn người chết và bị thương… Vậy mà không ít người vẫn say xỉn khi lái xe, giỡn mặt với tử thần…
70% lái xe gắn máy, 30% lái xe ô tô vi phạm
Từ trưa đến chiều, dạo qua tất cả các quán bia, quán rượu, quán nhậu ở Hà Nội, dù ở ngách cùng ngõ hẹp hay mặt phố, vỉa hè, cảnh người nâng cốc ken đặc, bất kể thời gian; xe gắn máy, ô tô của các thượng đế cũng chen nhau ngổn ngang trên hè, dưới đường. Cho đến khi đã đủ "bia dư, tửu hậu", lâng lâng, mọi người mới dìu dặt ra về trong trạng thái tưởng như hưng phấn nhất. Nhưng sau đó, ai dám chắc được rằng mỗi người trong số họ có thể đi đến nơi về đến chốn, sau những bữa nhậu tưng bừng, chén chú chén anh.
Hiện trường vụ tai nạn do tình trạng say rượu. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Theo nhiều báo cáo của ngành công an, y tế và các bệnh viện tại Hà Nội thì không khó để dẫn chứng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) từ hy hữu đến nghiêm trọng, mà nguyên nhân do lái xe có sử dụng rượu bia, không làm chủ tay lái gây ra. Tại phòng Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trao đổi với phóng viên, các bác sỹ trực cấp cứu cho biết, trung bình mỗi ngày khoa cấp cứu của bệnh viện phải xử lý hơn 40 trường hợp TNGT. Các ngày lễ, Tết, tỷ lệ này còn có thể tăng gấp đôi. Nhiều ca cấp cứu qua xét nghiệm nồng độ cồn trong máu rất cao. Từ đầu năm đến nay, khoa đã cấp cứu gần 1.000 trường hợp TNGT do sử dụng rượu bia. Đặc biệt, TNGT tăng cả về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng, nhiều trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng tổn thương nặng phải mổ cấp cứu. Các vụ TNGT do bia rượu gây ra thường xảy ra sau khoảng 20 giờ hàng ngày, đây là lúc mọi người vừa ăn nhậu xong hoặc chơi đêm. Đáng lo ngại là theo khảo sát tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Xanh Pôn, đa số các trường hợp người có nồng độ cồn vượt mức cho phép bị TNGT nặng, sau cấp cứu thường phải "sống thực vật" hoặc bị tổn thương sọ não.
Hội thảo "Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam" do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) vừa tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra những con số đáng báo động. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 6% tổng số vụ TNGT do lạm dụng rượu bia gây ra, với hàng ngàn người chết và bị thương, trong đó số vụ TNGT do trực tiếp người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu bia gây ra chiếm tỷ lệ 70%. Còn theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt, khi thí điểm thực hành kiểm tra nồng độ cồn lái xe trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), thì trong vòng 30 phút, cứ 9 lái xe được yêu cầu dừng xe ngẫu nhiên để kiểm tra có 3 trường hợp "dương tính" sau khi ngậm ống thở. Cục CSGT Đường bộ, đường sắt cũng cho biết, riêng tháng ATGT (tháng 9/2010) -tháng cao điểm về xử lý vi phạm trật tự ATGT, cả nước đã xảy ra trên 100 vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp liên quan đến rượu bia, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý gần 250 trường hợp lái xe ô tô và gần 1.500 trường hợp lái xe gắn máy vi phạm quy định về sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn.
Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái xe ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu, với mức phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; phạt từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở. Tuy nhiên, vi phạm vẫn không giảm, thậm chí nhiều người còn tỏ ra coi thường, khi bị cơ quan chức năng xử lý thì có biểu hiện chống đối, trốn tránh sự kiểm tra.
Chưa hết, có một thực tế khác đáng lo ngại không kém trong việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở nước ta hiện nay mà ICAP đã khảo sát là người có trình độ học vấn cao đang dần có xu hướng sử dụng và lạm dụng rượu bia nhiều hơn người có trình độ học vấn thấp; khu vực thành thị có xu hướng sử dụng và lạm dụng rượu bia nhiều hơn so với khu vực nông thôn và hầu hết người sử dụng rượu bia thường thích uống các loại rượu thủ công, rất khó kiểm soát... Trong khi số người sử dụng rượu bia tham gia giao thông không ngừng gia tăng, thì trang thiết bị cho lực lượng kiểm tra, xử lý lại có nhiều hạn chế...
Cộng đồng cùng chung sức giải quyết
Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Cục CSGT Đường bộ, đường sắt vừa tổ chức Liên hoan phim toàn quốc về ATGT lần thứ VIII với chủ đề "Hiểm họa sau khi uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông", trong đó đã đưa ra một thông điệp nhân văn "Không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia" và "Hãy dừng lại trước khi quá muộn", nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức hạn chế vấn nạn lạm dùng rượu bia khi tham gia giao thông.
Trước tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, số người tử vong do TNGT vẫn ở mức cao trong 11 tháng qua, trong đó nhiều vụ TNGT liên quan đến việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép gây hậu quả nghiêm trọng, Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi thông điệp đến các tỉnh, thành phố yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Luật Giao thông đường bộ tới từng cộng đồng, khu dân cư và người dân, để các địa phương trong cả nước cùng phối hợp hành động, xây dựng những kinh nghiệm và giải pháp phòng ngừa có hiệu quả vấn nạn này, góp phần kiềm chế TNGT.
Trong khuôn khổ chương trình "Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn", ICAP đã đề xuất với Uỷ ban ATGT Quốc gia "sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn trong khi điều khiển phương tiện" tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2010-2012, sẽ thí điểm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, tập huấn, nâng cao nguồn lực, tuyên truyền, phổ biến giáo dục và đặc biệt chú trọng vào công tác thực thi quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tại một số tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại đồ uống có cồn, nhằm đảm bảo việc sử dụng rượu bia có văn hóa, hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và xã hội hóa trong công tác phối hợp thực hiện. Cục CSGT Đường bộ, đường sắt cũng đã có Công điện số 158 gửi công an các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, nhất là từ nay đến hết năm 2010 và dịp Tết Nguyên đán 2011.
Nguyễn Tiến