Tại cuộc họp giao ban báo chí gần đây, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết: Trong công tác quy hoạch giao thông của Hà Nội, yếu kém nhất là vấn đề giao thông tĩnh; trong khi các loại phương tiện giao thông trên địa bàn đang phát triển quá nóng.
Tận dụng cả lòng đường để trông giữ xe đạp xe máy trên phố Hàng Đào. Ảnh: Lê Phú |
Ông Nguyễn Đức Nhanh dẫn giải: “Những năm đầu thập kỷ 70 - 80, Hà Nội lúc đó chủ yếu là xe đạp, các điểm trông giữ xe đơn giản, bây giờ xe máy và ô tô phát triển tăng vọt. Trong khi đó quỹ đất cho giao thông tĩnh Hà Nội làm chưa bài bản, không kiên quyết. Trong kế hoạch phát triển giao thông của thành phố 5 năm (2011 - 2015), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội có đặt ra vấn đề xã hội hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà lắm. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là khi xây dựng bến bãi ngầm, bãi nổi để trông giữ xe thì đầu tư lớn nhưng chậm thu hồi vốn”.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 197 thành phố, hiện trên địa bàn 10 quận có 1.055 điểm trông giữ xe, trong đó có 309 điểm tự phát, không có phép. Riêng quận Hoàn Kiếm đang áp dụng hình thức “khoán quản”, UBND quận đã cấp phép và giao cho 5 công ty đảm nhiệm 162 điểm trông, giữ xe (có 5 điểm trông giữ xe ô tô) với tổng diện tích 10.991 m2. Các điểm trông giữ xe khai thác cả vỉa hè, lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy. Đây cũng là điều bất hợp lý bởi các nhà quy hoạch giao thông luôn nghĩ đến việc để giao thông thông thoáng, nhưng quận Hoàn Kiếm đã tận dụng cả vỉa hè để trông giữ xe. Khi vỉa hè bị chiếm dụng nên không còn chỗ cho người đi bộ. “Hiện tượng này như “chiếc áo vá” bởi cứ giải quyết được chỗ này lại hỏng chỗ kia” - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhận xét.
Theo Giám đốc Công an thành phố thì cần phải tổng kiểm tra lại các điểm trông giữ xe trên địa bàn Thủ đô. Nếu điểm nào không có giấy phép kinh doanh bắt buộc phải đình chỉ, điểm nào thấy hợp lý trong việc tổ chức giao thông thì phải đề nghị cấp phép. Còn những điểm trông giữ xe mà ảnh hưởng đến giao thông thì phải đề nghị loại bỏ.
Song thực tế là thành phố đã có quy định: Cấp phép dưới lòng đường do Sở GTVT, cấp phép vỉa hè thì giao cho UBND quận. Từ đó dẫn tới việc, thành phố phân cấp cho quận, quận phân cấp cho phường. Và khi phường không quản lý được, để việc hàng quán lấn chiếm vỉa hè, những hộ có nhà mặt tiền tự mở điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Từ đó dẫn tới hiện trạng vỉa hè không còn dành cho người đi bộ. “Người dân ra đường bây giờ chắc chỉ có đi trên không” – Giám đốc Công an thành phố hài hước nói.
Theo đề xuất của Công an thành phố và Sở GTVT Hà Nội, trong thời gian tới Hà Nội sẽ từng bước xây dựng không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tổ chức một số tuyến phố đi bộ, không có các phương tiện giao thông hoạt động. Trước mắt, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần; ngày lễ, ngày Tết tổ chức tuyến đi bộ kể cả ban ngày và ban đêm trên tuyến đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm và tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân. Tổ chức các điểm trông giữ xe tạo thuận lợi cho nhân dân gửi xe để đi bộ. Tổ chức lại các tuyến xe buýt hoạt động trong khu vực phố cổ theo hướng phù hợp với các tuyến phố đi bộ (hoàn thành trong trước tháng 7/2011). Xây dựng quy hoạch tổng thể giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô đáp ứng nhu cầu trông, giữ xe của người dân, theo nguyên tắc: Sở GTVT cấp phép các điểm trông giữ xe dưới lòng đường; giao UBND quận, huyện, thị xã cấp phép các điểm trông giữ xe trên hè phố.
Hy vọng Hà Nội sẽ sớm có “đường thông, hè thoáng”, xứng tầm Thủ đô của cả nước.
Nhóm PV