Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, người lao động chẳng mấy mặn mà với việc nộp hồ sơ xin việc vào các doanh nghiệp này.
Khắp nơi rao tuyển
Dạo quanh những khu vực khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7) và KCX Linh Trung (Thủ Đức)..., trước cổng các công ty may mặc, da giày,... đâu đâu cũng thấy treo băng rôn tuyển dụng, với số lượng tuyển hàng trăm lao động trở lên. Cụ thể như Công ty Nissey (KCX Tân Thuận, quận 7) cần tuyển gấp 500 công nhân may với mức lương trên 2,7 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH găng tay Toàn Mỹ cần 200 công nhân may với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng… Còn tại KCX Linh Trung (Thủ Đức) cũng có rất nhiều công ty rao tuyển công nhân với số lượng lớn như công ty Freetrend cần tuyển 2.000 lao động phổ thông, thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng; Công ty may Thịnh Phát cần tuyển 500 lao động phổ thông...
Nhiều công ty còn tuyển lao động qua các trung tâm giới thiệu việc làm, tuyển ngay tại các sàn giao dịch việc làm...
Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh (Hepza), nhu cầu tìm lao động của các doanh nghiệp đang “nóng” dần lên với con số tuyển dụng lên tới hàng ngàn lao động. Cụ thể, thị trường này đang cần khoảng hơn 10.000 lao động, trong đó cần 5.000 lao động các ngành điện tử, lắp ráp dây điện xe hơi, linh kiện máy may, cơ khí và khoảng 6.000 lao động ngành bao bì, may công nghiệp…
Băng rôn tuyển dụng được treo khắp nơi trong khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm sẽ tăng cao, trong đó lao động phổ thông chiếm tới 40%. Vì thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động để chuẩn bị cho việc bù đắp nhân sự sau Tết và nhu cầu nhân lực năm 2011.
Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Tại một số trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, dù thu hút được khá nhiều lao động cho các ngành nghề khác nhau nhưng trong những ngày qua nhóm lao động phổ thông vẫn khá ít.
Theo ông Trần Thành Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza, mặc dù trung tâm dán thông báo nhiều đầu việc nhưng rất ít người đến tìm việc. Đa số những công ty này đi “săn” lao động phổ thông để kịp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm, nhưng khó mà kiếm được đủ số lượng đề ra. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 8.220 lao động, kết quả trúng tuyển chỉ đạt 65%, trong đó có hơn 4.115 lao động phổ thông. Tuy nhiên, đa số lao động đến làm việc tại các công ty chỉ một vài ngày rồi nghỉ việc, sau đó lại tìm công ty khác. Hiện, ngành cơ khí, may mặc, thủy sản... đang thiếu hụt lao động trầm trọng nhất và khả năng đáp ứng là không thể, do tiền lương thấp, điều kiện làm việc không hấp dẫn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên, dịp cuối năm, đầu việc làm tăng mạnh, nhưng từ tháng 10 đến nay, lượng lao động phổ thông đăng ký được tuyển dụng khá ít. Đặc biệt là các ngành vệ sinh công nghiệp, bảo vệ, may mặc... rất khó tuyển.
Lao động chê việc
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “khát” lao động vào dịp cuối năm như mặt bằng lương tối thiểu thấp không theo kịp những cơn “bão giá” tại các thành phố lớn; đa số các địa phương đều có KCN - KCX nên nhiều lao động có xu hướng về quê làm việc. Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban Quản lý các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh, một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng cuối năm thiếu hụt lao động phổ thông là từ sau Tết đến nay công nhân vẫn không trở lại làm việc vì ở hầu hết các tỉnh đều có khu công nghiệp. Công nhân muốn ở lại quê làm việc do giá cả sinh hoạt thấp hơn thành phố, lại gần nhà, dù lương có thể thấp hơn. Hơn nữa, do quy định về lương tối thiểu quá thấp dẫn đến thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống nên người lao động “chê” việc. Hậu quả là doanh nghiệp rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi thiếu nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số lao động nhập cư sẵn sàng nghỉ việc tại các nhà máy, xí nghiệp để chọn công việc dịch vụ tự do được trả lương cao. Đơn cử như: Làm việc trong các ngành dịch vụ, xây dựng, một lao động phổ thông làm việc phụ hồ, thợ xây… thu nhập từ 120.000- 170.000 đồng/ngày. Trong khi làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp tăng ca thường xuyên cũng chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
“Muốn giải được bài toán thiếu lao động phổ thông trong các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày…, doanh nghiệp phải cải thiện đời sống của người lao động” - ông Định cho hay.
Còn theo ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, việc trang bị máy móc thiết bị, nâng cao năng suất là giải pháp giúp Việt Tiến nâng cao năng suất, chất lượng và giảm áp lực thiếu hụt lao động. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) cho biết, để đáp ứng đơn hàng ngày càng tăng của đối tác, PPJ đã liên kết với một số đơn vị khác để nhờ họ gia công một số công đoạn giản đơn.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện, thị trường lao động thành phố cần khoảng 50.000 lao động, trong đó cần khoảng 20.000 lao động thời vụ. Tuy nhiên, người lao động cũng phải nghiên cứu kỹ về công việc trước khi nộp hồ sơ, tránh tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”.
Hoàng Tuyết - Mạnh Minh