Ban Thi đua Khen thưởng thành phố Hà Nội đã lựa chọn được 10 trường hợp trình UBND thành phố xét, công nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.
Trong số 10 công dân ưu tú được đề cử có Nhà báo, nhà Nghiên cứu Giang Quân (sinh năm 1927).Ông là nhà báo lão thành nặng lòng với mảnh đất văn hiến, anh hùng, có hơn 50 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn viết riêng về Hà Nội. Đặc biệt, hai cuốn Ký sự địa chí Hà Nội và Từ điển đường phố Hà Nội thực sự là cuốn cẩm nang cho những ai muốn tìm hiểu lai lịch mỗi tên đường, mỗi góc phố Thủ đô.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930), nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Chủ tịch Danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ (2011-2015). Là một trong những nhạc sỹ hàng đầu Việt Nam trong nền âm nhạc hiện đại, với cả một gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 500 ca khúc trong hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết lịch sử đất nước bằng những bài ca hào hùng, sôi nổi, có tác dụng cổ vũ động viên nhân dân kịp thời và có giá trị ghi dấu thời gian. Đối với Thủ đô Hà Nội, t3 nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch Nhạc sỹ Hà Nội, ông có nhiều đóng góp lớn, cùng đồng nghiệp sáng tác, cổ vũ các phong trào cách mạng với nhiều tác phẩm sống cùng năm tháng. Ông đã sáng tác nhiều bài hát về Hà Nội: Hát dưới trời Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Có một mùa thu Hà Nội, Hà Nội những đêm không ngủ, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không. Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và đang được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhà văn Tô Hoài (sinh năm 1920) là nhà văn cách mạng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cửa ngõ Thủ đô. Gần một thế kỷ chứng kiến thăng trầm, đổi thay, Ông đã cống hiến trí tuệ, là cuốn từ điển sống về văn hoá và từ ngữ dân gian của Hà Nội, thuộc lớp nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với sức làm việc phi thường, nhà văn đã có trên 200 tác phẩm lớn nhỏ, trong đó có gần một nửa là những tác phẩm về đất và người Hà Nội. Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhà văn vẫn nghiên cứu, viết về Thăng Long – Hà Nội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa.Với những đóng góp cho Thủ đô và đất nước, ông đã vinh dự nhận được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội; UBND TP Hà Nội trao Giải thưởng Thăng Long; Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân (sinh năm 1934), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, Nguyên phó Tư lệnh chính trị Quân khu Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô.17 năm công tác tại Quân khu Thủ đô, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp theo 14 năm liền tham gia công tác cựu chiến binh (CCB) thành phố, ông đã phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Thủ đô, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền vững mạnh.
Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu (sinh năm 1938) là một nhà khoa học hàng đầu của ngành hóa học. Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo cùng các cộng sự tại Thủ đô Hà Nội, ông đã làm chủ nhiệm 6 đề tài cấp nhà nước và 5 dự án triển khai. Tất cả các đề tài và dự án kể trên đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng triển khai trong thực tế, tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng. Nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư đã được ứng dụng tại Hà Nội như: chế tạo keo ghép đá tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế tạo vòng bảo vệ máy bay, chế tạo gối cầu cao su cốt bản thép cho cầu qua sông Kim Ngưu, sử dụng compozit chế tạo giải phân cách và lan can phòng hộ, hệ thống cầu trượt cho Công viên nước, chế tạo sơn bảo vệ bồn chứa rượu vang của Công ty Vang Thăng Long. Hiện nay tuy tuổi đã cao, ông vẫn tham gia giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Thủ đô.
BS. Nguyễn Thị Đức Hiền (sinh năm 1959), Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn. Hai tám năm gắn bó với người bệnh tại Bệnh viện Xanh pôn, bà đã luôn quan tâm, động viên cán bộ, bác sỹ, nhân viên phát huy y đức cứu chữa người bệnh. Với tấm lòng y đức của Người thầy thuốc, Bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, không quản ngại khó khăn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đêm hết trí tuệ, sức lực để cứu người bệnh. Trong nhiều năm qua, bác sỹ đã cùng tập thể khoa điều trị, cứu chữa cho hàng vạn bệnh nhân thoát khỏi bàn tay của tử thần.
Ông Nguyễn Gia Thọ (Sinh năm 1953), Chủ nhiệm HTX Song Long, quận Hoàn Kiếm. Với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, tinh thần dám nghĩ dám làm, lao động sáng tạo quên mình, thương binh Nguyễn Gia Thọ đã chỉ đạo đưa HTX từ chỗ bên bờ vực phá sản trở thành một điển hình tiên tiến của khối kinh tế tập thể không chỉ của Hà Nội mà còn là điển hình của cả nước. Hiện nay, HTX có 500 mặt hàng được sản xuất mang nhãn hiệu “SONGLONG PLASTIC” đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam , Lào và Trung Quốc. Hàng hóa mang nhãn hiệu Song Long 10 năm liền (2000 - 2010) được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Từ 2004 - 2010, thương hiệu Song Long được cơ quan báo chí bình chọn là 1 trong 100 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam. Những đóng góp tích cực của ông đã tạo vị thế của doanh nghiệp Thủ đô trên trường quốc tế.
Sư thầy Thích Đàm Lan (sinh năm 1956) đã cùng tăng ni, phật tử xây dựng chùa Bồ Đề khang trang sạch đẹp từ một nơi hoang vắng bốn bề trống trải 20 năm về trước. Cùng với việc xây dựng Chùa, Sư thầy luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho cuộc đời bớt nỗi đau thương như lời Phật dạy. Từ việc giúp đỡ những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại nhà và mang về nuôi tại chùa 10 cháu nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, nhà chùa đã đón nhiều người phụ nữ thất cơ lỡ vận không chốn nương thân. Họ đã trở thành những người mẹ của bao đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Hiện nay, nhà chùa đang chăm sóc và nuôi dưỡng 164 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 95 cháu và 69 người lớn.
Bà Trương Thị Nhân ( sinh năm 1926), nguyên Chủ tịch Hội khuyến học phường Phạm Đình Hổ, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải thuê tàu. Trong thời gian làm Chủ tịch hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, bà đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được trên 600 triệu đồng phục vụ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Bản thân bà đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí cho gần 20 cháu (từ cấp I đến đại học) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường để các cháu yên tâm học tập. Nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho các doanh nghiệp và giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp và lại tiếp nối tham gia công việc khuyến học cùng với bà....
Ông Trịnh Văn Hùng (sinh năm 1953) là một thương binh nhiễm chất độc da cam, các con nhỏ, một cháu nhiễm chất độc da cam, bản thân sức khoẻ giảm sút. Thấm nhuần lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”, vượt lên trên nỗi đau da cam, bằng bàn tay, khối óc của mình, ông đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi nhỏ lẻ. Dần dần, ông mở rộng mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp với quy mô 80 con lợn nái, 300 con lợn thịt. Hàng năm xuất chuồng 150 tấn lợn thịt hơi, lợi nhuận thu trên 300 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trợ giúp cho hội viên nông dân xã về lợn giống, tạo việc làm 4 lao động thường xuyên/năm, với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng/người. Hàng năm, ông đều tham gia ủng hộ quỹ Quỹ khuyến học của xã từ 6 đến 8 triệu đồng/ năm.
Thanh Bình