Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) ngày 12/3 đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Cơ sở pháp lý yêu cầu chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/điôxin ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước, những người tham gia vụ kiện tại Mỹ.
Nhiều nạn nhân Việt Nam vẫn đang hàng phải gánh chịu nỗi đau chất độc da cam. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Nhằm tiếp tục củng cố bằng chứng pháp lý cho vụ kiện tại Mỹ, các nhà khoa học tập trung thảo luận xung quanh vấn đề về các cơ sở pháp lý của mối quan hệ nhân quả giữa chất da cam/điôxin với các loại bệnh ở các nạn nhân Việt Nam, sự hiện diện của Quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Nam Việt Nam… Những vấn đề liên quan về trách nhiệm sản phẩm của nhà thầu Chính phủ, trách nhiệm pháp lý của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng chất diệt cỏ, vũ khí hóa học trong chiến tranh Việt Nam theo pháp luật quốc tế cũng được nhìn nhận một cách đầy đủ.
Về kinh nghiệm nước ngoài, các nhà khoa học tìm hướng gợi mở cho vụ kiện của nạn nhân chất da cam/điôxin ở Việt Nam thông qua cơ sở pháp lý của phán quyết trong Vụ kiện của các cựu binh Hàn Quốc tham gia chiến tranh ở Việt Nam ra Tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ bồi thường tổn hại sức khỏe do nhiễm chất da cam/điôxin, vận dụng pháp luật quốc tế trong giải quyết các vụ kiện tại Canada, Australia, Ấn Độ; kinh nghiệm hợp tác với các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Tiến sĩ Trần Ngọc Tâm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam cho rằng: Tác hại của chất độc da cam/điôxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường, sinh thái và con người Việt nam là tồn tại thực tế khách quan không thể phủ nhận. Bằng chứng nhân quả giữa chất da cam/điôxin liên quan đến bệnh tật của người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin ngày càng được các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội trên thế giới làm rõ với độ tin cậy cao.
Theo Giáo sư Nông Văn Hải, Viện Công nghệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam): Đưa vụ kiện này lên tòa án Mỹ đã là một thành công bước đầu, đánh thức lương tâm của loài người nói chung đối với hành động gây hậu quả lâu dài cho môi trường, con người. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam có thể làm bằng chứng pháp lý cho vụ kiện này nhưng chưa được công bố quốc tế nên không thể sử dụng. Bởi vậy, để tránh bị thiệt thòi liên quan đến các vụ kiện mang tính quốc tế, Việt Nam cần xem lại cơ chế công bố quốc tế cho các công trình nghiên cứu khoa học.
Minh Nguyệt