Chuyện cổ tích hiện đại từ những ‘vầng trăng khuyết’

Họ là những người kém may mắn, mang trên mình những khiếm khuyết về hình thể, nhưng họ lại có những nghị lực phi thường, vượt lên trên những khó khăn, thử thách của số phận, để viết lên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại...

Nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam

Từ khi được sinh ra, 1 bên mắt của Lê Hương Giang hoàn toàn không nhìn thấy, mắt còn lại với thị lực 1/10. Đến năm cô học lớp 6, bệnh thoái hoá võng mạc đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của cô. Khiếm khuyết trên cơ thể khiến Hương Giang bị nhiều bạn bè trong lớp xa lánh, trêu đùa, những câu nói như xát muối vào lòng cô bé.

"Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với em. Ở trên lớp, những bạn mắt sáng không chơi với em, không nói chuyện với em. Chỉ có một mình em ngồi ở góc lớp lắng nghe những âm thanh xung quanh, nghe các bạn cười đùa vui vẻ với nhau", Hương Giang kể lại.

Chú thích ảnh
Nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, Lê Hương Giang. Ảnh: Mai Xuân.

Hương Giang khá may mắn khi bên cô luôn có sự động viên, ủng hộ của gia đình. May mắn khi được sinh ra ở Hà Nội, sau khi mất đi ánh sáng của bên mắt còn lại, cô được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu – trường hòa nhập cho trẻ khiếm thị. Thế giới của cô chỉ là gia đình và trường học, việc không có trải nghiệm về cuộc sống xung quanh, khiến cô không đặt được mục tiêu gì rõ ràng cho tương lai.

“Kết thúc cấp II, nhìn những bạn học khá trong lớp phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho những người khuyết tật theo con đường học vấn, những người bạn từng cùng ngồi trên dãy hành lang kể cho nhau nghe về giấc mơ làm giáo viên, luật sư, họa sĩ… giờ bỏ cuộc do thiếu niềm tin từ gia đình và thiếu niềm tin vào chính mình, tôi đã phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực người khuyết tật để mong gạt bỏ những rào cản đó”, Hương Giang chia sẻ.

Có mục tiêu, có quyết tâm, cuối cùng cũng có ngày cô cầm trên tay giấy nhập học vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Giấc mơ đã đến gần với cô gái khiếm thị.

Nếu ai đã từng được gặp Hương Giang, hẳn sẽ rất ấn tượng với cô gái mạnh mẽ, luôn nở nụ cười rất tươi trên môi. Cô luôn lạc quan và sống hết mình cho đam mê. Hơn 10 năm qua, cô luôn sống tự tin và nuôi dưỡng ước mơ trở thành MC từ trong bóng tối.

Bắt đầu từ năm lớp 12, Hương Giang là phóng viên cho Đài tiếng nói Việt Nam, công việc chính của cô là lên ý tưởng, viết kịch bản, dẫn chương trình và dựng chương trình. Ba năm làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam là cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng làm MC. Đến năm 2017, Hương Giang chính thức trở thành MC cho chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” của VTV4 và đó cũng chính là bước đầu tiên mở ra chặng đường mới đưa cô đến với nghề dẫn chương trình truyền hình. Hiện tại, Hương Giang là MC của chương trình “Cà phê sáng” của VTV3.

“Sau mỗi lần lên sóng, tôi nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, rằng họ thấy một ngày trở nên vui vẻ hơn khi nhìn thấy nụ cười của tôi trong chương trình “Cà phê sáng” của VTV3. Nhiều bạn khuyết tật nhắn tin cho tôi nói rằng, họ cảm thấy cuộc sống của họ buồn chán, tối tăm. Và khi họ xem chương trình của tôi, nghe những câu chuyện của tôi, thì họ thấy rằng cuộc sống không còn đáng sợ như họ nghĩ, họ có động lực để thực hiện niềm đam mê của mình, cho dù những người xung quanh nghĩ như thế nào”, Hương Giang nói.

Số phận đã lấy đi của Hương Giang đôi mắt, nhưng không thể lấy đi nghị lực và sự lạc quan nơi cô. "Tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được", đó là niềm cảm hứng mạnh mẽ mà Hương Giang muốn lan truyền cho những người xung quanh.

Giúp người khuyết tật tự tin tham gia giao thông công cộng

Quê của Phan Thị Kim Vân ở Quảng Nam, cách TP Hồ Chí Minh hơn 800 km. Gia đình em khó khăn, cả Vân và anh trai đều là người khuyết tật vận động từ khi còn nhỏ, do bị nhiễm virus bại liệt (Polio).

Chú thích ảnh
Phan Thị Kim Vân giành giải Á khôi 1 trong cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” 2019. Ảnh: Mai Xuân

Khi Vân còn nhỏ, ngày nào bố mẹ cũng cõng em đến trường, nhiều lần Vân muốn bỏ cuộc, bỏ học vì thương bố mẹ. Nhưng được sự động viên của bố mẹ, vượt lên hoàn cảnh, mặc cảm bản thân cũng như thất bại trong kỳ thi đại học đầu tiên, cuối cùng Vân cũng đã đậu vào khoa Tâm lý học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Vân chia sẻ, để có được kết quả đó, cô cũng phải vượt qua nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là người khuyết tật ít có cơ hội hòa nhập như người bình thường, bản thân cô cũng phải đối mặt với sự kỳ thị, thiếu đồng cảm từ những người xung quanh.

Mặc dù hạn chế trong vận động, nhưng Kim Vân vẫn luôn tự lập. Cô đã một mình vào TP Hồ Chí Minh học đại học, ở tại ký túc xá của trường. Cô cho biết, cô cũng nhận được nhiều sự quan tâm và giúp đỡ từ bạn bè.

Cách đây vài năm, Vân kiên trì chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển, dù nhiều lần đứng nhìn xe lướt qua mà bản thân bất lực với hai hàng nước mắt. “Thực tế, tôi là người khuyết tật, sẽ còn nhiều trở ngại và thách thức. Nhưng tôi không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người đều vô cảm khi nhìn thấy mình. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi tôi nhận ra tất cả đều là những trải nghiệm thú vị”, Vân chia sẻ.

Ước mơ của Vân đó là có thể hỗ trợ người khuyết tật vượt qua những khó khăn trong việc di chuyển mà họ phải đối mặt hàng ngày để có thể hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Vân hiểu rằng, khó có thể thay đổi cơ sở hạ tầng hiện tại, nên em đã chọn giải pháp thiết thực là vận động sức mạnh từ cộng đồng để giúp người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Vân muốn nâng cao nhận thức về những khó khăn của người khuyết tật mà chính em đã trải nghiệm, đồng thời hướng dẫn cách bày tỏ sự cảm thông và kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật, để tất cả cùng nhau làm nên sự khác biệt tích cực cho cộng đồng.

Năm 2016, Vân và người bạn thân thực hiện ý tưởng: “Hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng”, cụ thể là xe buýt trong chương trình Upshift do Unicef và Vye tổ chức. Dự án đã có những tác động tích cực và thiết thực, các bạn khuyết tật đã tự tin hơn khi tham gia sử dụng phương tiện công cộng, nhiều bạn biết cách hỗ trợ người khuyết tật...

“Và giờ đây việc đi xe buýt là niềm vui mỗi ngày đối với tôi. Tôi nghĩ đó là cơ hội để người ta giúp đỡ mình, cũng là cơ hội để bản thân hòa nhập và sống có ý nghĩa hơn. Tôi tin rằng, khi người khuyết tật được hỗ trợ và không ngại cất lời, đồng thời khi người thường có đủ kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật, thì những trở ngại trong việc di chuyển sẽ được giải quyết”, Vân chia sẻ.

Phúc Lâm/Báo Tin tức
Khánh thành Trường Hữu nghị Việt Nam - Cuba dành cho trẻ khuyết tật
Khánh thành Trường Hữu nghị Việt Nam - Cuba dành cho trẻ khuyết tật

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 23/4, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raúl Castro Ruz và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz - Canel cùng nhiều quan chức Chính phủ nước này đã dự lễ khánh thành Trường Hữu nghị Việt Nam - Cuba tại tỉnh miền Đông Santiago de Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN