Chất độc da cam và nỗi đau hậu chiến

Trên đất nước chúng ta, chiến tranh đã lùi xa nhưng tàn tích chất độc da cam để lại vẫn vô cùng nặng nề. Những nạn nhân chất độc da cam điôxin vẫn phải oằn mình, quằn quại trong đau đớn tuyệt vọng.

 

Kỳ 1: 32 năm sống đời thực vật

 

Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 3.608 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.738 nạn nhân nhiễm trực tiếp. Đó là những nạn nhân nhiễm chất độc, qua phân tích bị nhiễm một trong 13 nhóm bệnh được xác định là bị nhiễm chất độc điôxin.

 

Chị Nguyễn Thị Vòng đút cháo cho con.

Theo địa chỉ của Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin thành phố Vũng Tàu cung cấp, tôi đến nhà em Dương Thị Thu Hương ở số nhà 71 Hàn Thuyên phường Rạch Dừa. Anh Dương Đức Duy (bố Hương), chị Nguyễn Thị Vòng (mẹ Hương) đon đả mở cổng mời tôi vào nhà. Chưa kịp ngồi xuống ghế, đã nghe tiếng uỳnh uỵch rồi la toáng, rên ư ử phía sau nhà. Dưới bếp, em Hương trườn trên tấm phản trượt té xuống đất, mắt trợn trừng, sùi bọt mép, chân tay múa loạn xạ. Chị Vòng bế con đặt vào ghế và đẩy ra phòng khách.


Mời tôi ly nước trắng, chị Vòng kể: Năm 1981, tôi sinh cháu. Vợ chồng mừng lắm. Nó chỉ 2,5 kg nhưng đầy đủ chân tay mặt mũi. Thế nhưng niềm vui ấy chỉ tồn tại đến ngày thứ 13 thì vụt tắt. Tự nhiên, người cháu đỏ như quả gấc và đi cầu phân trắng như nước vo gạo, ăn gì đi nấy. Vợ chồng tôi sợ quá vội đưa cháu đi Bệnh viện Nhi đồng 1 Sài Gòn. Khi ấy bác sĩ nói con đã chết lâm sàng. Bệnh viện trả về nói gia đình lo hậu sự chôn cất thì bỗng dưng con sống lại. Cả nhà mừng lắm. Vợ chồng động viên nhau “con mình bé nhỏ, chậm lớn là thường”. Nhưng không phải thế chú ơi. Từ lúc đẻ nó đến bây giờ, nó oặt ẹo như rễ khoai. Ăn uống, bài tiết không kiểm soát được. Nhiều bữa mẹ xi cả ngày không tè, đến khi vừa đặt lên võng lại tè ra. Theo thời gian, răng cháu bị mòn không nhai được cơm. Chủ yếu là uống sữa và ăn cháo loãng. Tất cả vệ sinh, ăn uống đều như cuộc sống thực vật”.


Chị Vòng khóc. Đã bao lần chị khóc mỗi lần có người đến thăm, hoặc có nhà báo đến viết bài. Những giọt nước mắt vỡ òa trên gương mặt người đàn bà khắc khổ. Anh Dương Đức Duy cũng khóc theo. Anh bảo: “Tất cả là do tôi. Tôi bị nhiễm chất độc da cam nên mới đẻ ra đứa con tật nguyền như thế”.

 

Di chứng truyền từ người bố


Năm 1965, như bao chàng trai làng khác, Duy xung phong lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1966, anh đi chiến trường B, rồi chiến đấu trên các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Đã bao lần đồng đội anh hành quân xuyên những vạt rừng trụi lá. Đại đội mắc võng ngủ giữa rừng Trường Sơn. Sáng ra, tóc người nào người nấy đỏ hoe, trên đầu tăng, võng đọng nước trắng đục như nước vo gạo. Anh em hò nhau xuống suối tắm, gội đầu, có người uống luôn cả nước suối mà không hề biết dòng nước ấy đã bị Mỹ rải chất độc nhằm tiêu diệt nguồn nước sinh hoạt của bộ đội. “Chất độc ấy ngấm sâu vào cơ thể tôi chưa đủ, mà còn gieo rắc lên đứa con đau khổ tội nghiệp này. Chất độc da cam đã tàn phá con tôi” - anh Duy khóc, những giọt nước mắt người cha từ bao ngày nén chặt trong lòng nay mới có dịp trào dâng. “Thôi thì đành chấp nhận. Biết là đau đớn tột cùng, nhưng còn biết bao đứa trẻ khác cũng giống như con tôi. Có ai ngờ chất độc quái ác đó đã ăn sâu vào máu thịt tôi nên đã sinh ra một đứa con đáng thương này. Gia đình tôi chỉ có một cháu bị nhiễm, nhưng có gia đình 3, 4 người, có dòng họ 3 đời bị nhiễm. Nỗi đau truyền kiếp này có gì bù đắp được”.


Nói về sức khỏe, sinh hoạt của cháu Hương, chị Vòng cho biết: “32 năm qua, tôi đút cháo cho cháu. Gia đình tôi làm riêng cho cháu một tấm phản để cháu lết trên ấy. Tất cả sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Do không kiểm soát được đại, tiểu tiện, nên cháu đi tiểu, tiêu ra quần bất cứ lúc nào. Một ngày tôi phải tắm, thay áo quần không biết bao nhiêu lần. Một ngày nó lên cơn 4-5 lần. Mỗi lần như thế nó co quắp, rên ư ử, sùi bọt mép. Tôi đã xin nghỉ việc để chăm sóc cháu”. Chị Vòng lo ngại: “Điều trăn trở nhất của vợ chồng tôi là khi chúng tôi già yếu chết đi, ai là người chăm sóc cháu, cháu sẽ sống ra sao!”.


Bài và ảnh: Mai Thắng

 

Kỳ 2: Những đứa trẻ không tương lai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN