Chấn chỉnh hoạt động đưa người VN sang Đài Loan làm việc: Bài cuối: Nếu vi phạm, có thể bị thu hồi giấy phép

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ 1/4/2012, nếu phát hiện người lao động được tuyển chọn để đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) mà phải chịu phí cao hơn mức quy định thì doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép.

Qua tìm hiểu của báo chí, có một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp và đơn vị đứng ra tuyển chọn, đào tạo đưa lao động đi Đài Loan. Thực tế này, theo nắm bắt của Cục là như thế nào?


Hiện nay, có 67 doanh nghiệp còn giấy phép của Đài Loan cấp được hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan. Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì hiện nay các doanh nghiệp này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo. Ngoài ra còn có các văn phòng đại diện công ty thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động đi làm việc tại Đài Loan. Như vậy, hiện có khoảng trên 300 đầu mối thực hiện việc đưa lao động đi Đài Loan làm việc.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn giấy phép của Đài Loan nhưng vẫn liên kết với các doanh nghiệp còn giấy phép để tuyển và đưa lao động đi. Hoặc, cho phép các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam chưa chấp hành nghiêm chỉnh về quy định pháp luật về cách thức tổ chức hoạt động. Điều này còn dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam và phía công ty môi giới Đài Loan buông lỏng quản lý đối với lao động làm việc tại Đài Loan.

Tổng chi phí người lao động phải nộp trước khi đi XKLĐ đối với ngành công nghiệp là không quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm.


Việc tuyển chọn, đào tạo của các doanh nghiệp dịch vụ không được tổ chức thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho các doanh nghiệp Đài Loan sử dụng pháp nhân để đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan và không kiểm soát được hoạt động của họ. Điều này tạo ra nhiều bất cập ở cả công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý lao động ở nước ngoài và việc thu phí trước khi đi.

Việc người lao động bị thu phí cao, là một trong những nguyên nhân khiến họ bỏ trốn để bù phần thiệt hại này. Cơ quan quản lý sẽ làm gì để giám sát việc thu phí này?

Ngày 15/2, Bộ LĐTB&XH đã ban hành công văn số 341/LĐTBXH-QLLĐNN để chấn chỉnh công tác đưa người lao động sang thị trường trọng điểm này.

Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ việc thu phí của người lao động đúng quy định. Tổng chi phí của người lao động phải nộp trước khi đi đối với ngành công nghiệp là không quá 4.500 USD/người/hợp đồng trong 3 năm; trong đó, tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD. Đối với lao động làm giúp việc và chăm sóc sức khỏe, phí phải nộp trước khi đi không quá 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm; trong đó, phí môi giới không được quá 800 USD.

Doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động việc ký Quỹ nhằm bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm. Doanh nghiệp phải cung cấp cho người lao động đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến các chi phí mà người lao động phải đóng góp. Doanh nghiệp phải thông báo cho Cục những trường hợp đối tác nước ngoài yêu cầu thu các khoản phí cao hơn mức quy định để Cục phối hợp với phía Đài Loan có biện pháp xử lý.

Trước thực trạng hoạt động đưa người lao động sang Đài Loan đang biểu hiện nhiều dấu hiệu lộn xộn, Cục có biện pháp gì để chấn chỉnh, thưa ông?

Về việc này, trong công văn của Bộ LĐTB&XH mới ban hành cũng đã nêu rõ yêu cầu doanh nghiệp không được phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan dưới bất cứ hình thức nào.

Bộ cũng yêu cầu mỗi chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ được tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi ở một địa điểm duy nhất. Các doanh nghiệp phải báo cáo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ, số điện thoại địa điểm đó, Giám đốc chi nhánh và danh sách cán bộ thực hiện.

Nếu doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng chưa có giấy phép của phía Đài Loan thì được phép ký hợp đồng hợp tác với 1 doanh nghiệp khác có giấy phép của phía Đài Loan để tổ chức đưa lao động sang Đài Loan làm việc. Hợp đồng hợp tác này phải được đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước để Cục theo dõi và quản lý.

Từ 1/4/2012, nếu phát hiện người lao động được tuyển chọn để đi làm việc tại Đài Loan mà phải chịu phí cao hơn mức quy định thì doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm, Cục sẽ phối hợp với phía Đài Loan thu hồi giấy phép đưa người lao động sang làm việc tại Đài Loan của doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN