Đêm đã về khuya. Từng cơn gió lạnh khẽ lùa vào khe cửa. Bên ngọn đèn hắt hiu, tôi vẫn miệt mài chấm từng bài văn nhỏ cho học trò của mình. Bài làm văn không quá khó đối với lũ trẻ, đề bài yêu cầu viết về cảm xúc, và những kỉ niệm về người thầy, người cô mà mình kính yêu. Đứa nào cũng hí hoáy, nắn nót từng con chữ để viết ra những dòng cảm xúc về ngôi trường, về người thầy mà mình yêu quí nhất. Mỗi bài văn tiêu biểu cho mỗi cách nhìn, mỗi cảm nhận khác nhau, để bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình nhân ngày 20/11…
Tôi lần giở cuốn sổ tay, vậy là chỉ còn một ngày nữa là đến ngày Tết giáo viên. Những đứa học trò khắp mọi miền đất nước sẽ quay về để thăm lại mái trường xưa và thăm lại những người thầy, người cô đã có công dạy bảo chúng nên người. Tôi cũng vậy, tôi cũng sẽ ghé về thăm ngôi trường xưa, thăm lại người thầy, người cô mà tôi hằng kính yêu.
Lật cuốn lưu bút của năm tháng đi học, những dòng chữ đã nhòe đi vì nét mực tím, và chiếc lá thuộc bài ngày nào đã phai màu trên trang vở cũ cùng những ước mơ, những khát vọng, và những tình cảm mà tôi dành cho từng người cô, người thầy của mình. Trong đó có cô giáo Hoa, người mà tôi đã dành những tình cảm đặc biệt khi cô chủ nhiệm tôi năm lớp 9. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nó trôi qua tựa như một chiếc lá rơi vèo bên khung cửa. Đó là buổi học cuối cùng. Cô lặng lẽ trìu mến nhìn cả lớp, và cô chỉ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, đơn giản thôi, nhưng câu chuyện và ánh mắt của cô ngày xa xưa ấy đã có sức ám ảnh tôi đến bây giờ. Câu chuyện đó như một “kim chỉ nam” để cho mỗi người chúng tôi mang theo trên những chặng đường của mình, và tôi đã cẩn thận ghi vào cuốn lưu bút ngày ấy, cất giữ cho đến bây giờ. Để rồi mỗi khi vấp ngã, tôi đọc lại câu chuyện đó, và thấy có sức mạnh hơn khi trong cuộc sống này vẫn còn những người thầy, người cô đáng kính luôn soi đường chỉ lối cho ta. Và có một điều độc đáo, là dù bạn ở đâu, bất cứ khi nào vạn vật cũng có thể là thầy của ta.
Chuyện kể rằng, khi Haxan (một nhà hiền triết) trước lúc qua đời, đã có người hỏi ông: “Thưa Haxan, ai là thầy của ngài?”.
Haxan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu đếm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian tồn tại của ta trên thế gian này rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy cuối cùng trong cuộc đời của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó có thể tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm”.
Người đàn ông đó thật tuyệt vời. Ta đã nán lại ở đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!”.
Mỗi khi ông ta trở về, ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?”, và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.
Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ! Kẻ trộm đó đã dạy ta một bài học về lòng kiên nhẫn.
Người thầy thứ hai của ta là một con chó. Khi ta ra bờ suối uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng nhìn xuống dòng sông, nó thấy bóng mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy . Nhưng vì khát quá nên nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống suối và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp được gửi đến cho ta: Con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động.
Người thầy cuối cùng của ta là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng đặt trên đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?”. Đứa bé đáp: “Thưa phải”. Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con biết ánh sáng từ đâu đến không?”. Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng biến mất, vậy ngài thấy ánh sáng đã đi đâu không?”.
Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lần ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân.
Và cũng từ đó ta vứt đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi tất cả từ mọi vật. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là hãy luôn làm một người học trò. Điều này có ý nghĩa là gì. Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết và nhận biết ý nghĩa của vạn vật. Người thầy là người thông qua đó ta bắt đầu học cách học hỏi. Người thầy cũng như một hồ nước nơi chúng ta đang học bơi. Một khi chúng ta đã học được một cách bơi, cả đại dương mênh mông là của chúng ta".
Câu chuyện tuy đơn giản, chỉ có ba tình huống thôi, và cô giáo chủ nhiệm của tôi mượn câu nói của Lênin để đúc kết lại thành một chân lý “Học - Học nữa - Học mãi”. Bởi cuộc sống luôn là một cuốn sách giáo khoa mà chúng ta cần phải học hỏi suốt cả cuộc đời. Bên cạnh những người thầy giáo, cô giáo trên ghế nhà trường, thì còn có cả những người thầy trong cuộc sống mà ta cần phải học hỏi và rèn luyện hơn nữa để trở thành một công dân tốt, một người có ích cho gia đình và xã hội.
Cảm ơn bài học cuối cùng đó của cô, bài học đó đã khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Và cũng như mọi người học trò cũ khác, ngày 20/11 hằng năm tôi lại trở về thăm trường xưa, thăm người cô giáo cũ để tỏ lòng biết ơn của mình, theo truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của người Việt chúng ta.
Thanh Trâm