Biến lời hứa thành hiện thực

Trở thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không chỉ là niềm vinh dự mà còn đem đến trách nhiệm lớn lao đối với mỗi đại biểu. Chính vì thế, các tân ĐBQH đều khẳng định, bằng tinh thần học hỏi và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân sẽ quan tâm giải quyết những vấn đề “nóng”, đáp lại nguyện vọng và sự tin tưởng của cử tri.

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đại biểu tự ứng cử duy nhất tại Hà Nội trúng cử ĐBQH:Nỗ lực luật hóa việc hiến máu cứu người

Tôi mang trong mình ba vai: Thứ nhất là cán bộ y tế tham gia công tác quản lý, thứ hai là nhà khoa học và thứ ba là một giảng viên đại học với hơn 25 năm giảng dạy. Với ba trọng trách này khi trở thành ĐBQH, tôi cũng sẽ tập trung giải quyết những vấn đề dựa trên những thế mạnh vốn có của mình.

Là viện trưởng một viện đầu ngành về máu, tôi hiểu sâu sắc rằng máu rất cần cho người bệnh. Cho đến nay, lượng máu tiếp nhận hàng năm khoảng 1,1 triệu đơn vị (chiếm khoảng 1,3% dân số) chỉ đủ đáp ứng được khoảng hơn 60% nhu cầu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là lượng máu tiếp nhận tối thiểu phải bằng 2% dân số. Trong khi đó, việc hiến máu hiện nay chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức. Chính vì thế, tôi cho rằng phải luật hóa việc hiến máu trong đó quy định cụ thể: “Bất cứ một công dân nào nếu có sức khỏe bình thường thì trong suốt cuộc đời mình phải tham gia hiến máu. Và trong cuộc đời mình khi cần máu thì sẽ có người cung cấp cho mình”.

Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng giải quyết các vấn đề khác liên quan đến ngành y tế như: làm sao hạn chế các bệnh bẩm sinh di truyền, điển hình là bệnh thalasemia (bệnh tan máu bẩm sinh), quan tâm để đưa tế bào gốc trở thành một chương trình quốc gia. Ngoài ra các vấn đề y đức, BHYT, thuốc, viện phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ... là những vấn đề rất nóng trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua và rất cần những đại biểu y tế là người trong cuộc nắm rõ chuyện này. Tôi cho rằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác sẽ có đóng góp rất lớn trong việc hoạch định và xây dựng chính sách hay những quy định có lợi cho người bệnh cũng như đất nước.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, đại biểu Quốc hội lần đầu: “Chống án oan” và “giảm án sai” trong hoạt động tư pháp

Là người hoạt động chuyên sâu nghề luật sư, với kiến thức, kinh nghiệm pháp luật và sự tận tâm tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, quan tâm giải quyết những bức xúc lớn của cử tri trong đó có việc chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ thể, tôi sẽ cùng đội ngũ luật sư bên cạnh các cử tri cả nước thông qua hoạt động vận dụng lý luận và thực tiễn tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; thực hiện giám sát về tham nhũng trong các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao; tích cực thực hiện đề án chống tham nhũng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tạo điều kiện hoạt động có hiệu quả của Ban nghiên cứu Biển Đông thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phản biện những vấn đề trọng đại của đất nước góp phần xây dựng chính phủ liêm chính, hợp lòng dân.

Là luật sư, điều đầu tiên tôi hướng đến là đóng góp tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần chống oan sai, bảo vệ pháp chế XHCN nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013, bảo vệ quyền con người. Hoạt động tranh tụng được ghi nhận là nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp, trong khi tình hình tư pháp còn nhiều vụ án có dấu hiệu oan, sai làm người dân khốn khổ; một số vụ án gần đây, số phận pháp lý của người nghèo, người yếu thế rất bấp bênh, rất cần sớm có luật sư bảo vệ. Với kinh nghiệm đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia Đoàn giám sát về án oan, sai và án tồn đọng của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôi sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng “chống án oan” và “giảm án sai” trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, là đại biểu của Hà Nội, tôi sẽ chủ động đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội là cầu nối giữa địa phương với Quốc hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đã được Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra; nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh vốn có của Hà Nội, xây dựng Thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh: Đóng góp tiếng nói đến hoạt động của bộ máy chính quyền

Tôi rất vinh dự vì đã được trúng cử ĐBQH và cảm thấy tự hào khi được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Đó không chỉ là vinh dự đối với riêng tôi mà còn là vinh dự của cả gia đình, các đơn vị đã tín nhiệm ứng cử tôi trở thành một ĐBQH khóa này. Bên cạnh niềm vui đó thì đã đặt lên vai tôi một trách nhiệm rất nặng nề. Nhiệm vụ sắp tới của tôi sẽ phải phản ảnh được tâm tư, nguyện vọng của người dân đến Quốc hội để góp tiếng nói đến hoạt động của bộ máy chính quyền, những quy định liên quan đến người dân, doanh nghiệp, liên quan đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn.
Thu Phương - Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN