Bất cập trong phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Đồng Nai

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tổ chức kiểm tra, phân loại về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, Sở cũng đã tiến hành phân loại và trình UBND tỉnh công bố 20 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nâng tổng số lên 143 cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã công bố. Bên cạnh đó, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã phát hành văn bản hướng dẫn cụ thể các cơ sở lập hồ sơ để được xét chứng nhận hoàn thành khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm theo quy định.

Trong tổng số 143 cơ sở thuộc danh sách gây ô nhiễm môi trường nêu trên, hiện nay đã có 50 cơ sở khắc phục xong và được cấp Quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm. Các cơ sở còn lại đang trong quá trình khắc phục hoặc đang trong quá trình kiểm tra kết quả khắc phục ô nhiễm. Theo báo cáo từ các cơ sở, tính đến tháng 12/2011, tổng kinh phí đầu tư khắc phục ô nhiễm khoảng 1.038 tỷ đồng. Riêng các cơ sở chậm khắc phục, Sở TN&MT Đồng Nai đã kiểm tra, đôn đốc và giao Thanh tra Sở tiến hành xử lý vi phạm đối với các cơ sở này.

Quá trình triển khai thực hiện việc phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, khó thực hiện. Vì vậy Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ TN&MT nên sửa đổi một số nội dung như: Về tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Thông tư 07 căn cứ vào hàm lượng hoặc nồng độ chất ô nhiễm, nhưng chưa xem xét đến tải lượng/thải lượng ra môi trường. Điều này dẫn đến bất cập, như trường hợp các cơ sở có quy mô nhỏ (ít công nhân, ít nước thải) nhưng vẫn không loại trừ khả năng bị xếp vào cơ sở gây ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Do vậy, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường có tính đến tải lượng/thải lượng ô nhiễm. Hai là về trình tự thủ tục xác định cơ sở thuộc diện gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường hiện chưa được quy định cụ thể và đầy đủ.

Thực tế, tại Đồng Nai, UBND tỉnh tạm thời chỉ đạo Sở TN&MT vận dụng Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2006 của Bộ TN&MT về ban hành quy định chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện. Do vậy, Sở kiến nghị Bộ TN&MT ban hành quy định về trình tự thủ tục (kèm theo mẫu hồ sơ) để tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa công tác này.

Thứ ba là về quy định thời hạn khắc phục ô nhiễm cho các cơ sở thuộc diện gây ô nhiễm môi trường hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn, quy định thêm các tiêu chí để xác định khoản thời gian hợp lý cho việc khắc phục ô nhiễm, tùy thuộc vào mức độ và tính chất ô nhiễm phải xử lý. Ngoài ra, về biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, Sở kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn triển khai thực hiện Điều 49 - Luật Bảo vệ môi trường về xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; trong đó có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định về tạm đình chỉ hoạt động, buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hay cấm hoạt động.

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN