Trước những tồn tại ở bãi rác Đa Phước, tại Báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan còn phải đàm phán, thương thảo lại hợp đồng giao nhận, xử lý rác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Công ty VWS), loại bỏ những điều bất hợp lý, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên; xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty VWS. Đồng thời cùng với Công ty VWS hoàn thiện các công trình xử lý chất thải tại bãi rác Đa Phước.
TP Hồ Chí Minh cần tiến tới áp dụng mô hình tái sử dụng và tái chế thất thải để giảm tỷ lệ chôn lấp, triển khai phân loại rác tại nguồn, nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ chôn lấp, tận dụng năng lượng tái tạo.
Đến ngày 3/7/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6250/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của HĐND thành phố để năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp; nghiên cứu đưa vào áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải. Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty VWS, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Trong suốt thời gian qua, người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm, sinh hoạt bị đảo lộn, bức xúc kéo dài, chưa kể nguồn nước ở những khu vực kề sát bãi rác cũng bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày, thành phố có hơn 9.000 tấn chất thải rắn, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện. Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, nhất là chuyển hóa rác thành điện năng, hướng tới mục tiêu đến 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%.
Cuối năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy lực - Máy thực hiện đề án thực nghiệm xây dựng Nhà máy điện - rác Gò Cát, để đến tháng 3/2017, hệ thống dây chuyền thiết bị của nhà máy được vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia bằng việc xử lý ép viên 500 tấn rác công nghiệp không độc hại làm nhiên liệu và chuyển hóa 35 tấn rác thành 7 triệu kWh để hòa vào lưới điện quốc gia.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy lực – Máy, giải pháp công nghệ điện rác hoàn toàn không chôn lấp hoặc đốt nên không có nước thải, không mùi hôi và không khói bụi. Giải pháp công nghệ điện rác có thể thực hiện ở quy mô nhỏ, phù hợp để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy cũng như cho các xã, huyện, quận xử lý triệt để vấn đề rác thải ở địa phương, tránh tình trạng rác từ đô thị đưa về chôn lấp và xử lý ở vùng ngoại ô, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, phương pháp xử lý rác hiện nay của thành phố chủ yếu vẫn là chôn lấp, công nghệ rất lạc hậu. Do đó, thành phố đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải thay đổi công nghệ, chuyển sang dùng công nghệ đốt tạo năng lượng trên phương châm công khai, minh bạch, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025 còn 20%. Hiện thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với công nghệ khí hoá plasma kết hợp phát điện, công suất 2.000 tấn/ngày do Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư.
Đối với khu Đa Phước, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Công ty VWS chuyển đổi trước mắt là 2.000 tấn rác/ngày trên tổng số hơn 5.000 tấn/ngày từ chôn lấp sang công nghệ đốt và xử lý triệt để hơn. Tiếp đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại hai Khu liên hợp xử lý chất thải rắc Tây Bắc, huyện Củ Chi và Đa Phước, huyện Bình Chánh, trong đó ưu tiên việc chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hạn chế chôn lấp.
Cuối tháng 11/2017, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt, phát điện với sự tham gia của một số doanh nghiệp. Đây là dịp để UBND thành phố có thêm thông tin nhằm xem xét, tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp cho thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là công tác phân loại rác tại nguồn. Theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp, rác thải ở Việt Nam không được phân loại trước khi xử lý, là thách thức lớn cả về mặt kỹ thuật và hiệu quả chi phí đối với những công nghệ nước ngoài.
Vì thế, ngày 14/11/2018, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là động thái đáng chú ý, bởi lẽ tiến hành phân loại rác tại nguồn, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn, giảm thiểu chôn lấp, sản xuất phân compost. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải tập trung. Các phương tiện thu gom, vận chuyển được phân biệt với các loại xe thu gom, vận chuyển chuyên dụng khác. Thành phố khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, vừa qua, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Tasco tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi, công suất 500 tấn/ngày với công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng đạt hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm. Ngoài ra, Nhà máy còn tận dụng rác hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao, tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, tận dụng nước rỉ rác để phát điện, khí thải từ nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu (EU 2000) với hệ thống quan trắc online 24/24. Nhà máy được thiết kế và xây dựng theo hướng công viên cảnh quan có bố trí lối đi để người dân tham quan, kiểm tra hoạt động của nhà máy.
Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ khắc phục các tồn tại ở Dự án bãi rác Đa Phước, xử lý tốt hơn rác thải sinh hoạt trên địa bàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.